Trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 7, HĐND khóa IX, HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều đợt giám sát xoay quanh việc chấp hành pháp luật lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2017.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp. |
Phá vỡ quy hoạch
Theo thống kê, đến nay có 304 dự án đầu tư kinh doanh BĐS bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều năm nay, phần lớn dự án khu phố chợ kết hợp khai thác quỹ đất dưới dạng phân lô bán nền tại huyện Duy Xuyên, Núi Thành, thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ thông thường bám theo các trục đường giao thông chính, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tuy vậy, có dự án trục trặc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chấp nhận đầu tư theo hình thức có mặt bằng ở đâu thì thi công đến đó, rồi điều chỉnh quy hoạch theo kiểu “da beo”.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, tỉnh nhất quán không điều chỉnh giảm không gian, phạm vi, quy mô đất công cộng, công viên, cây xanh, mặt nước, mốc chỉ giới xây dựng, vệt cây xanh của các dự án trên các trục đường chính, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường ven biển của các dự án đã phê duyệt sang mục đích thương mại, dịch vụ, đất ở. |
Giai đoạn 2006 – 2017, trong số 79 dự án ở Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc chỉ có 2 dự án hoàn thành bàn giao, 7 dự án cơ bản hoàn thành, 21 dự án đang thi công, 46 dự án chưa thi công, 3 dự án thi công dở dang, tạm dừng thi công. Hàng loạt dự án nham nhở, không khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án với hạ tầng khung, chưa có hệ thống thoát nước, tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, phá vỡ quy hoạch như các khu đô thị Phú Thịnh, Chợ Trạm, An Hà – Quảng Phú, khu dân cư cho người thu nhập thấp phường Điện Dương và khu đô thị Bách Đạt tại phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Hay như dự án khu đô thị Ngọc Dương Cổ Cò, khu đô thị An Bình Riverside nằm ven sông Cổ Cò có tình trạng cốt san nền các dự án cao hơn khu vực dân cư dẫn đến ngập úng cục bộ.
Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Nguyễn Viễn cảnh báo, trong khi tiền thu ngân sách từ khai thác quỹ đất không đáng kể thì việc các dự án BĐS bám ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xen kẽ đất nông nghiệp, khu dân cư, những nơi có sẵn điều kiện hạ tầng, lợi thế thương mại, suất đầu tư thấp đã gây nên hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và bất cập trong công tác quản lý về lâu dài.
Thất thu ngân sách
Đáng nói hơn, vì lợi ích cục bộ, nhiều dự án điều chỉnh cả quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng, công viên cây canh, cây xanh cách ly sang đất thương mại, đất ở nhưng không kịp thời điều chỉnh phương án giá đất. Chẳng hạn dự án khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Công ty STO làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Đất Quảng Green City; khu phố chợ Điện Ngọc giai đoạn 2, khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang; khu đô thị số 3, 4, 6, 9, khu đô thị Sentosa riverside 7B. Hậu quả là gây thất thu ngân sách nhà nước và làm phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Cá biệt có dự án điều chỉnh quy mô 5 lần (từ diện tích 2.300ha xuống hơn 985ha) xúc tiến đầu tư từ năm 2007 nhưng mới khởi công năm 2016, dự kiến năm 2019 mới đi vào hoạt động giai đoạn 1 như dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Qua các đợt giám sát, HĐND tỉnh đánh giá, dự án đầu tư đất nhà ở, thương mại thì “khủng hoảng thừa” trong khi chưa quan tâm bố trí quỹ đất phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho lao động bị mất đất sản xuất. Một số dự án khu vực ven biển Điện Bàn – Hội An được thỏa thuận địa điểm trước thời điểm Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực, chưa đảm bảo khoảng cách khu đất dự án với mép nước triều cường trung bình nhiều năm về phía đất liền (100m). Khoảng cách giữa các dự án liền kề, làm ảnh hưởng việc sử dụng bãi biển công cộng của người dân, khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh chỉ ra hàng loạt bất cập như có tình trạng dự án bố trí chồng lấn quy hoạch, xác định sai loại đất, phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất công cộng một số nơi chưa hợp lý. Quy hoạch bố trí đất an táng, khai thác quỹ đất cho mục đích an táng trong khu vực nội thị. Thậm chí còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên giấy tờ cho nhiều trường hợp nhưng thực tế không có đất (như ở khu dân cư biên phòng thuộc phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ). Sai phạm rõ nhất là sử dụng sai mục đích đất, giao đất cho thuê đất phát triển đô thị, du lịch nhưng chiếm đất, kinh doanh BĐS. Nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thu hồi đất nông nghiệp diện tích lớn, nhưng chậm được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bỏ hoang hóa trong khi người dân mất tư liệu sản xuất.
TRẦN HỮU