UBND tỉnh quyết định đến ngày 15.11.2014, những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ bị cắt giảm hay điều chuyển vốn. Theo quy định này, sẽ có rất nhiều dự án bị điều chuyển và tập thể, cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm vì sự chậm trễ này.
Khả quan
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2014 đã có khá nhiều tiến bộ so với năm 2013. Ông Nguyễn Quốc Tùng – Trưởng phòng Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói năm 2014, các dự án được cấp thẩm quyền phân bổ kế hoạch tăng cao, trong đó kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ tăng gần 1.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân của 4 cấp ngân sách đạt 70% kế hoạch vốn, cao hơn cùng kỳ năm 2013, xếp thứ 9/63 tỉnh thành là con số khá tốt. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 23.10.2014, số vốn giải ngân 4 cấp ngân sách thuộc kế hoạch vốn đầu tư năm 2014 toàn tỉnh đạt 4.642/6.639 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn. Các huyện có tỷ lệ giải ngân cao như Bắc Trà My (88%), Đại Lộc (89%), Duy Xuyên (87%), Đông Giang (87%) và vài huyện có tỷ lệ giải ngân thấp như Núi Thành (59%), Tam Kỳ (62%). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, các dự án khác khoảng 75% (hơn 2.098/2.809 tỷ đồng kế hoạch vốn) và nguồn vốn đặc thù khoảng 66% (hơn 2.543/3.829 tỷ đồng kế hoạch vốn). Ngoài ra, các công trình trọng điểm quốc gia như dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 1 đoạn đi qua Quảng Nam đã giải ngân 128/172 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch vốn. Kế hoạch còn lại 44 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào huyện Quế Sơn do UBND tỉnh mới phân bổ nguồn tạm ứng ngân sách trong tháng 8.2014. Hạn cuối giải ngân nguồn vốn này đến hết ngày 31.1.2015. Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn 512/596 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch vốn.
Dự án “Phòng chống lụt bão đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình”. Ảnh: T.D |
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, dù tỷ lệ giải ngân đến thời điểm này cao hơn so với năm 2013, nhưng vẫn còn nhiều dự án chủ đầu tư vẫn chưa đến kho bạc giải ngân và nhiều dự án giải ngân dưới 50%. Tính đến ngày 23.10.2014, khoảng 13 dự án (9 dự án ngân sách tỉnh và 4 dự trái phiếu chính phủ) khoảng 28 tỷ đồng chưa giải ngân được và 45 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% (khoảng 238 tỷ đồng), bao gồm 22 dự án ngân sách tỉnh, 21 dự án trái phiếu chính phủ và 2 dự án chương trình mục tiêu quốc gia. Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đều cam kết sẽ hoàn tất việc giải ngân 100% kế hoạch vốn trước khi kết thúc năm. Nhưng chắc chắn rằng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các ban quản lý dự án dù cố gắng bao nhiêu nữa cũng không thể đủ khả năng để giải ngân hết nguồn vốn này theo kế hoạch khi thời hạn cuối cùng chỉ còn chưa đầy một tháng nữa.
Cắt giảm, điều chuyển vốn
Trước nguy cơ có thể bị trung ương cắt hay điều chuyển vốn (điều này đã từng xảy ra trong một vài năm trước), ngày 21.10.2014, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký Văn bản 4400/UBND-KTTH yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, lập hồ sơ giải ngân kế hoạch vốn, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia và công trình được bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương… Các địa phương nhanh chóng quyết toán khối lượng giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và giải ngân hết nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ngay trong tháng 10.2014. Các chủ đầu tư tập trung hoàn thành các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án thuộc kế hoạch vốn 2014, đặc biệt các hồ sơ hoàn trả tạm ứng. Không để tồn đọng hồ sơ thanh toán tại kho bạc. Theo công văn này, nếu sau khi thông báo 15 ngày, chủ đầu tư không thực hiện giải ngân vốn các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 50%) mà không có lý do chính đáng thì thời hạn cuối cùng vào ngày 15.11.2014, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn.
Chưa có một con số chính thức từ Sở KH&ĐT, nhưng theo thống kê thực tế và chiếu theo công văn này, sẽ chỉ có khoảng một số ít dự án có tỷ lệ xấp xỉ 30 - 40% có thể đạt đến con số giải ngân trên 50% khi thời hạn ấn định (ngày 15.11.2014) kết thúc. Số dự án còn lại bị điều chuyển vốn (thậm chí bị trung ương cắt giảm, thu hồi) chắc chắn sẽ không nhỏ. Danh sách này gồm các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% như các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư (TĐC) xã Bình Dương (Thăng Bình), kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu TĐC ADB, quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My, chương trình phát triển đô thị Quảng Nam… Ngoài ra, còn có thể kể đến các dự án chưa đạt đến tỷ lệ giải ngân 30% như các dự án: đường vào trục chính Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ đô thị Việt Hàn (7%), Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh (4%), Bảo tàng Quảng Nam (3%), ba dự án Bệnh viện Đa khoa Duy Xuyên, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc và Trung tâm Mắt Quảng Nam của Sở Y tế (8%), đường Chà Vành – Đăk Pre – Đồn 661 – Đăk Pring (4,3%), dự án “Phòng chống lụt bão, đường cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình” (0,1%)…
Theo các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý, điểm mới nhất của Công văn 4400 chính là việc sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư dự án bị cắt giảm vốn do không giải ngân hết kế hoạch nguồn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Hy vọng quyết định này sẽ là bước ngoặt, là liều thuốc “đặc trị” để thay đổi tình trạng ì ạch, xài không hết vốn đầu tư vốn là căn bệnh lưu cữu nhiều năm qua.
TRỊNH DŨNG