Nhiều giải pháp ứng phó với siêu bão đổ bộ vào Việt Nam

NGUYÊN KHÔI 04/04/2014 15:50

(QNO) - Sáng nay 4.4, tại TP.Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác PCLB&TKCN năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ trị Hội nghị.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ trị Hội nghị.

Thiên tai ngày càng phức tạp

Theo Ủy ban Quốc gia TKCN, năm 2013, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp; bão, lũ lụt, tố lốc, triều cường, sạt lở đất, cháy nổ, cháy rừng... xảy ra trên nhiều địa phương trong cả nước. Cụ thể, đã có 15 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó 11 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đây là con số lớn nhất trong gần 50 năm qua.

Trong năm 2013, Ủy ban Quốc gia TKCN đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành 60 công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai, sự cố trên phạm vi cả nước; huy động 636.497 lượt người, 10.039 lượt phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và TKCN; phối hợp với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các địa phương thông báo kêu gọi, hướng dẫn 1.094.567 lượt tàu thuyền/4.922.216 lao động đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn; di dời 388.988 hộ/1.555.952 người, ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn…

Có thể nói, sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, của Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương đã góp phần giảm thiểu rất lớn thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Đáng chú ý, 3 cơn siêu bão số 10, 11 và 14 không có tàu thuyền nào bị chìm đắm trên biển. Năng lực xử lý và ứng phó của các lực lượng chuyên trách và kiêm nhiệm đã được nâng lên rõ rệt.

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng, năm 2013 diễn biến khí hậu - thủy văn phức tạp, ước tính thiệt hại do thiên tai năm 2013 gây ra cho Đà Nẵng là 1.037,8 tỷ đồng. Mặc dù bị thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và vật chất nhưng trên địa bàn thành phố đã không có người chết trong thiên tai. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị sơ tán, sơ tán dân trong bão…

Nhiều nhóm giải pháp ứng phó

Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, xu thến diễn biến của bão/ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp. Kết quả thống kê hoạt động của các cơn bão/ATNĐ ảnh hưởng đến Việt Nam qua các thập kỷ, cho các khu vực cụ thể của Việt Nam cho thấy: vùng đất liền và ven biển từ 200N trở lên, hoạt động của bão/ATNĐ có xu hướng giảm; vùng đất liền và ven biển từ 15 - 200N, số lượng các cơn bão/ATNĐ ít thay đổi; vùng đất liền và ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, từ 150N trở xuống, hoạt động của bão/ATNĐ có xu hướng gia tăng.
Như vậy hoạt động của bão/ATNĐ có xu thế dịch chuyển về phía Nam. Trong số các cơn bão/ATNĐ đổ bộ vào Việt Nam, các ATNĐ có xu hướng tăng, bão trung bình có xu hướng giảm, tổng số các cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam có xu hướng giảm, nhưng số lượng các cơn bão rất mạnh lại có xu hướng tăng.

Hàng năm, bão phá hoại làm Đà Nẵng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng năm, bão phá hoại làm Đà Nẵng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (DBKTTVTW) nhận định, bão mạnh đổ bộ vào đất liền Việt Nam chủ yếu là vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình bão cấp 12, cấp 13, gió giật mạnh cấp 14 - 15; vùng biển Thanh Hóa bão cấp 14, cấp 15, gió giật mạnh cấp 16 - 17; vùng biển Nghệ An -  Phú Yên bão cấp 14, 15, 16, gió giật mạnh trên cấp 17; vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận bão cấp 13, cấp 14, gió giật mạnh cấp 15-16 và vùng biển Bà Rịa Vũng Tàu - Cà Mau bão mạnh cấp 10, cấp 11, gió giật mạnh cấp 12-13.

Trung tâm DBKTTVTW cũng dự báo, do đầu năm 2014, bão/ATNĐ xuất hiện sớm ở trên Biển Đông, vì vậy trong mùa mưa, bão, lũ năm 2014, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn trong thời đoạn ngắn gây lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên. Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại các cửa sông ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến cuối tháng 8.

Nhằm chủ động đối phó với thiên tai năm 2014, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu thực hiện tốt phương châm “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” với 18 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Các nhóm giải pháp để đối phó với siêu bão tại Việt Nam

Bộ TN-MT chỉ đạo phân vùng ảnh hưởng của bão tương ứng với cấp gió bão mạnh nhất có thể đổ bộ vào các khu vực; xây dựng kịch bản nước dâng tương ứng với bão mạnh. Tăng cường công tác dự báo, cập nhật thường xuyên và phân tích tác động của bão, nước dâng trong các bản tin dự báo để chính quyền và nhân dân hiểu được và chủ động phòng, tránh.

- Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng bản đồ ngập lụt xâm nhập vào đất liền với kịch bản nước dâng do bão làm cơ sở để các địa phương xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán và phục vụ chỉ đạo, chỉ huy; xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng hạ du các con sông trong trường hợp lũ lớn, xả lũ khẩn cấp từ các hồ chứa, đặc biệt là khi vỡ đập; chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án phòng tránh bão lũ; nghiên cứu hướng dẫn phòng tránh neo đậu tàu thuyền đánh bắt thủy sản trong tình huống bão lớn.

- Bộ Xây dựng chủ trì chỉ đạo hướng dẫn phân loại nhà ở, công trình hạ tầng hiện có đảm bảo an toàn hoặc không an toàn ứng với cấp bão lớn làm cơ sở chỉ đạo hướng dẫn, sơ tán; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng ứng với cấp gió bão theo phân vùng của Bộ Tài nguyên và môi trường.

- UBND các tỉnh, thành xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán, ứng phó với cấp bão lớn có khả năng đổ bộ vào địa phương; rà soát quy hoạch, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, chuẩn bị các điều kiện, địa điểm sơ tán dân; chuẩn bị phương tiện cung ứng hậu cần thiết yếu phục vụ công tác sơ tán, xử lý các tình huống khẩn cấp sau thiên tai.

- Các Bộ Quốc phòng, Công An, GTVT, TT-TT, Y tế, Công thương, VTV, VOV và các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành xây dựng phương án để tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai ứng với tình huống siêu bão, lũ xảy ra.

NGUYÊN KHÔI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều giải pháp ứng phó với siêu bão đổ bộ vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO