(QNO) - Câu chuyện ứng xử giữa người dân và du khách, giữa chính quyền với cộng đồng thời gian qua dù vô tình hay cố ý, cũng ít nhiều góp phần làm cho hình ảnh Hội An bị tổn thương và xấu xí trong mắt khách.
1. Sau một vòng chạy quanh phố cổ, chiếc ô tô bán tải của Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Minh An tấp vào lề đường tại vòng cung Chùa Cầu giữa giờ Hội An thực hiện phố đi bộ, hình ảnh trên trở thành cái gai “xốn mắt” của nhiều người dân và du khách. Không ít ý kiến cho rằng trong khi thành phố cấm tất cả xe gắn máy để dành đường cho người đi bộ thì việc xe ô tô chạy trong phố cổ trông rất phản cảm.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, theo quy định xe công vụ vẫn được ưu tiên vào phố cổ, nên xe của đội quy tắc được vào phố cổ để chuyên chở, phục vụ việc xử lý vi phạm. “Thỉnh thoảng mình vẫn cho xe cứu thương, xe cứu hỏa vào phố, và mới đây là xe của đài truyền hình vào làm cầu truyền hình trực tiếp. Trong khi, phường Minh An nằm gần hết trong phố cổ, nếu sắm xe ra không được hoạt động thì làm sao phát huy hiệu quả sử dụng. Chưa kể có xe đó mới răn đe được người vi phạm, chứ chẳng lẽ dùng xe bò, xe đẩy kéo tang vật vi phạm ra ngoài” - ông Sơn giải thích.
Dễ dàng nhận thấy, chuyện so sánh giữa xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe truyền hình… thỉnh thoảng vào phố cổ với xe của Đội kiểm tra trật tự đô thị rất khập khiễng, bởi việc xe Đội trật tự chạy trên phố cổ lặp lại hầu như hàng ngày như sự mặc nhiên về cái quyền mà phường Minh An có được. Theo ông Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An, hình ảnh này rất phản cảm nên phường Minh An phải chấn chỉnh lại, bởi có nhiều cách để thực hiện chức trách của Đội kiểm tra trật tự đô thị chứ không phải đậu cái xe to đùng trên phố cổ để thị uy người vi phạm, còn các thành viên Đội kiểm tra thì ngồi tán gẫu, ngắm người đi, mặc cho hàng rong múa may chèo kéo khách trước mắt.
2. Vài ngày nay, cộng đồng mạng xôn xao về việc quán cà phê Cyclo’s Road Café (97 Bạch Đằng, TP.Hội An) từ chối phục vụ khách Việt. Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo, sự việc xảy ra vào tối 7.9, khi vợ chồng chị P. và một người bạn (đến từ TP.Hồ Chí Minh) ghé vào quán Cyclo’s Road Café. Bàn chị P. ngồi chỉ còn 2 ghế, nên một người phải ngồi bàn bên cạnh, nhưng khi người bạn chị P. hỏi chủ quán: “Em có thể kéo ghế này ra chỗ khác được không?”, thì người đàn ông đáp: “Mời ra ngoài, ở đây không phục vụ”. Họ đứng lên ngay tức khắc, còn nghe ông này lầm bầm với ai đó rằng “cho tiền cũng không phục vụ”. Điều này đã gây bức xúc cho nhóm khách.
Câu chuyện nghe có vẻ… khó hiểu, nhưng khoan bàn chuyện ai đúng ai sai, sẽ có kết luận từ phía chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, một thực tế không phủ nhận là đã và đang diễn ra tình trạng buôn bán chụp giựt, ứng xử thiếu văn minh lịch sự với khách của một số cơ sở dịch vụ tại Hội An.
Người viết đã từng chứng kiến cảnh cô chủ quán nước mía ven sông Hoài không cho khách mượn thêm ghế ngồi với lý do đi 10 người nhưng chỉ uống 7 ly nước mía, hay chuyện một tiệm phở nổi tiếng trên đường Lê Lợi xua đuổi khách bởi khách không ăn phở nhưng để xe trước nhà. Hay chuyện một quán cà phê tỏ vẻ khó chịu khi khách mượn quạt chỉ vì “uống một ly cà phê lời bao nhiêu mà bật quạt, tốn điện”, kể cả chuyện ví đuổi hướng dẫn viên dẫn khách trốn vé trong phố cổ cũng đã từng xảy ra... Tất cả điều trên dù vô tình hay cố ý cũng đã tạo ấn tượng xấu cho khách về một thành phố đang hướng đến mục tiêu “nhân tình thuần hậu”.
3. Quay lại câu chuyện quán Cyclo’s Road Café, ông Nguyễn Trương Thái Kha - chủ quán khẳng định, ông không phân biệt hay đuổi khách Việt. Báo cáo giải trình với các cơ quan chức năng TP.Hội An chiều 10.9, ông Kha cho biết, ông mời khách ra khỏi quán vì khách hành xử thiếu lịch sự. Theo ông Kha, 3 người khách bước vào quán khoảng 8 giờ tối. Trong quán lúc đó có 5 khách gồm 3 người nước ngoài và 2 khách Việt Nam, ngồi ở 3 bàn, chỉ còn 2 bàn trống.
Dù đi 3 người nhưng nhóm chị P. ngồi tách ra 2 bàn, trong khi trời mưa, quán rất chật. “Tôi bảo, 3 anh chị có thể ngồi chung bàn được không thì 2 vợ chồng chị P. nói chúng tôi đi riêng. Còn anh ngồi bàn bên (nhóm chị P.) áo kéo lên khỏi bụng phản ứng rất tục: “Đ.M phải chuyển ghế sang hả”. Không chấp nhận cách hành xử đó nên tôi bảo, xin lỗi chúng tôi không phục vụ anh, xin mời anh ra ngoài. Cả 3 vị khách cùng đứng dậy đi ra” - ông Kha kể.
Ông Kha khẳng định, ông không làm sai, việc mời khách không lịch sự ra khỏi quán cũng là cách giữ gìn hình ảnh Hội An, cần thiết ông sẽ liên lạc mời 2 vị khách Việt ngồi trong quán lúc đó ra đối chứng vì họ chứng kiến sự việc xảy ra. “Tôi phục vụ tất cả khách, không phân biệt người nước nào. Tuy nhiên, nếu khách vào quán cởi trần hoặc ngồi bỏ chân lên ghế, nếu nhắc nhở không được, tôi sẽ từ chối phục vụ, không riêng gì người Việt, khách nước ngoài tôi cũng mời ra” - ông Kha quả quyết.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cam kết, thành phố sẽ điều tra, tìm hiểu thêm để xác định ai đúng - sai nhằm sớm có kết luận cuối cùng. Tuy vậy, ông Sơn cũng cho rằng chuyện xích mích qua lại giữa khách hàng và người bán ở đâu cũng có, thậm chí, một số nơi còn ghê gớm hơn. “Chỉ khi nào quán trương bảng lên ghi không đón khách Việt thì mới xử lý được, còn chuyện quán đồng ý hay không đồng ý phục vụ khách là quyền của họ, nó không vi phạm pháp luật mà chỉ thuộc phạm trù đạo đức nên cùng lắm cũng chỉ lên án đưa ra cộng đồng để kiểm điểm nhắc nhở thôi” - ông Sơn nói.
Những câu chuyện xảy ra với Hội An dù cố ý hay vô tình cũng đều tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Nói như ông Nguyễn Văn Sơn: “Vì người ta yêu mến, quan tâm đến Hội An nhiều quá nên có những chuyện của Hội An dù một tý cũng thành vấn đề lớn. Điều đó cho thấy Hội An rất dễ bị tổn thương, thế nên trong một số sự việc cần phải tìm hiểu kỹ càng trước khi thông tin. Tất nhiên, thành phố sẽ xem xét, xử lý cũng như điều chỉnh những hành vi không phù hợp để Hội An đẹp hơn trong mắt khách”.