(QNO) - Nhờ tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn huyện Phước Sơn có được cơ hội vươn lên, thoát nghèo.
Đến huyện miền núi Phước Sơn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, nhờ chịu khó làm ăn và được tiếp sức từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình chị Đồng Thị Hằng (thôn 1, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn) không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu. Chị Hằng cũng là hội viên Hội Nông dân huyện, nhiều năm liền được biểu dương là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được nhiều người học tập, noi theo.
Là người dân tộc Tày, quê xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, năm 2001 chị Hằng cùng gia đình quyết định vào Phước Sơn lập nghiệp. Như những người tha phương khác, những ngày mới lập nghiệp nơi đất khách quê người, gia đình chị gặp nhiều khó khăn, vất vả quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Kinh tế gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào đám ruộng, mảnh vườn, nương sắn trên mảnh đất cằn cỗi. Dù vợ chồng luôn siêng năng, chăm chỉ, có ý chí làm giàu, nhưng do thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức sản xuất, chăn nuôi, nên cuộc sống của gia đình chị chưa thể thoát cảnh nghèo khó.
Quyết không cam chịu cảnh nghèo khó, chị Hằng luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm cách phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
Từ năm 2016 đến nay, bằng vốn dành dụm được, cộng thêm vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phước Sơn, gia đình chị chọn hướng phát triển bằng việc kết hợp giữa chăn nuôi bò và trồng keo. Vợ chồng chị Hằng bắt tay cải tạo mảnh vườn xung quanh nhà để trồng keo, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò. Bước đầu, chị gặp không ít khó khăn, trở ngại do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Nhưng với quyết tâm vươn lên, không cam chịu đói nghèo, thông qua Hội Nông dân, chị Hằng được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỷ thuật về chăn nuôi dần dần chị nắm vững kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chị Hằng tâm sự: “Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện Phước Sơn, vợ chồng tôi có tiền làm chuồng trại chăn nuôi bò, kết hợp trồng keo. Riêng nuôi bò ít rủi ro, không như những con vật khác, độ an toàn rất cao, chọn đúng giống thì hiệu quả nó cao hơn. Từ đó, gia đình tôi dần dần có được thu nhập phát triển kinh tế, tạo công văn việc làm, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện, nâng cao”.
Đến nay, gia đình chị Hằng đã xây dựng cơ ngơi khang trang và kinh tế dần ổn định. Từ 3 con bò ban đầu được gia đình mua bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ sau 2 năm, gia đình đã phát triển đàn lên được 10 con. Ngoài nuôi bò, chị Hằng con nuôi gà nhốt chuồng, nuôi lợn sinh sản. Mô hình chăn nuôi đã giúp gia đình chị Hằng thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, được nhiều người đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh làm kinh tế gia đình giỏi, chị Hằng còn là hội viên Hội Nông dân nhiệt tình tham gia các buổi sinh hoạt chi hội, tích cực tuyên truyền hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua do các cấp hội phát động. Nhờ đó, hội viên đã nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội như giữ đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, thường xuyên, đóng góp xây dựng hội vững mạnh toàn diện.
Hiện nay, nhiều gia đình hội viên nông dân nghèo trong chi hội đã áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng chuồng khép kín, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.
Với những thành quả đạt được, nhiều năm liền gia đình chị Đồng Thị Hằng được công nhận gia đình văn hóa; được biểu dương, khen thưởng là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, được công nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2019.
Có thể nói, với việc tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn huyện Phước Sơn đã có được cơ hội vươn lên, thoát nghèo. Trong đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đã tận dụng có hiệu quả thế mạnh về điều kiện đất đai để mở rộng sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Đời sống của người dân đã thật sự thay đổi, đầy đủ và ấm no hơn.