Tại Liên bang Nga cũng như nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 68 năm chiến thắng phát xít (9.5.1945-9.5.2013).
Ngày 9.5.1945, tại Thủ đô Berlin (Đức), phát xít Đức đã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện, kết thúc cuộc chiến tranh chống phát xít ở châu Âu. Đó là một cuộc chiến mà nhân dân và Hồng quân Liên Xô giữ vai trò chủ đạo, đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tiến tới đập tan phát xít Đức và giành lại hòa bình cho nhân dân các nước châu Âu. Tiếp đó, vào tháng 9.1945, quân đội Xô Viết anh hùng lại tiến công tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ, buộc quân phiệt Nhật Bản ký Hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai - một cuộc chiến hao người tốn của nhất trong lịch sử nhân loại, trong đó, 27 triệu người con Xô Viết đã ngã xuống.
Dải băng Chiến thắng được phát cho người dân và du khách tại Nga. (Ảnh: 02varvara) |
Tại Liên bang Nga cũng vừa tổ chức cuộc diễn tập diễu binh để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng sẽ diễn ra vào ngày 9.5 trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow cũng như tại 72 thành phố trong liên bang và ở thành phố cảng Sevastopol của Ukraine với sự tham gia của hơn 11 nghìn binh sĩ Nga cùng hơn 100 vũ khí và thiết bị quân sự. Cũng trong những ngày này, dải băng Georgi hay còn gọi là Dải băng Chiến thắng (là một dải băng nhỏ có những sọc màu đen và màu cam) đã bắt đầu xuất hiện trên nhiều đường phố của nước Nga. Biểu tượng chiến thắng này cũng đã đến với người dân của gần 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với nước Nga, phong trào xã hội Dải băng Chiến thắng ra đời vào năm 2005 là hành động thể hiện tinh thần đoàn kết công dân gắn với ký ức về cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, là sự tưởng niệm và ngưỡng mộ của thế hệ hôm nay đối với những người đã cứu thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít. Dự kiến đến ngày 9.5, 3 triệu dải băng này sẽ đến tay những người dân Moscow và du khách với thông điệp “Tôi nhớ và tôi tự hào”.
Trong khi đó, ở thành phố Ashdod của Israel đã khánh thành tượng đài kỷ niệm 2 anh em người gốc Do Thái và đều là anh hùng Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Ngày 5.5, tại Hà Lan đã diễn ra các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức với việc thắp lửa tại các tượng đại “Ngọn lửa giải phóng”. Bên cạnh đó còn có các buổi hòa nhạc trên khắp đất nước với sự tham dự của ít nhất 750 nghìn người, trong đó có Công chúa Beatrice và Thủ tướng Mark Rutte. Cùng ngày, tại Áo cũng tổ chức lễ kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Trại tập trung Mauthausen với sự tham gia của Tổng thống Áo Heinz Fischer, Tổng thống Ba Lan Bronislav Komorowski, Tổng thống Hunggary Janos Ader, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Sergey Nasyskin và Bộ trưởng Tư pháp Israel Tzipi Livni. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Duma quốc gia Nga Nasyskin nhấn mạnh, hiện nay tại một số nước Đông Âu, các thế lực đang mưu toan phục hồi lại chủ nghĩa phát xít. Do vậy, mọi người vì hàng triệu nạn nhân của chiến tranh, cũng như vì tương lai châu Âu không được im lặng và không cho phép phục hồi hệ tư tưởng thù địch con người.
Còn đêm nay (7.5), tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội sẽ diễn ra chương trình âm nhạc kỷ niệm hai ngày chiến thắng quan trọng của hai dân tộc Việt Nam và Nga: 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7.5.1954-7.5.2013) và 68 năm ngày chiến thắng phát xít Đức. Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội kết hợp cùng Câu lạc bộ hát tiếng Nga Bạch Dương trình bày 14 bài hát chọn lọc. Đó là những ca khúc nổi tiếng nhất trong tâm khảm của tất cả những ai yêu mến nước Nga, văn hóa và âm nhạc Nga như: “Đợi anh về”, “Ngọn lửa Nga”, “Đàn sếu”, “Em ơi, hãy đừng khóc!”, “Ngày chiến thắng”, “Aliosa”, “Giờ này anh ở đâu, hỡi người bạn cùng binh đoàn”, “Tạm biệt cô gái Slaver”…
QUỐC HƯNG (tổng hợp)