|
* Bế mạc Liên hoan hô hát bài chòi và triển lãm Di sản văn hóa biển đảo
Liên hoan hô hát bài chòi - trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển lãm “Di sản văn hóa biển đảo Việt Nam” nằm trong khuôn khổ các hoạt động chính của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 đã bế mạc vào chiều qua 13.6. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung (Bộ VH-TT&DL) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn tham dự.
Liên hoan hô hát bài chòi, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển lãm Di sản văn hóa biển đảo Việt Nam đã được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu về quy mô, chất lượng, thể hiện được tính đại chúng, sự sáng tạo và trên hết là ý thức bảo tồn, phát huy và giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung khẳng định các hoạt động đã được thực hiện dựa trên tinh thần cống hiến hết mình vì tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật của 260 nghệ sĩ, diễn viên đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Các đơn vị đã mang đến nhiều phần trình diễn, giới thiệu đến khán giả những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của vùng miền, đặc biệt là loại hình nghệ thuật dân gian hô hát bài chòi đã tạo nên không khí vui tươi sôi nổi và nhiều màu sắc cho lễ hội festival. (THÀNH CÔNG)
* Hội thảo khoa học quốc tế về con đường tơ lụa trên biển
Ngày 13.6, tại Làng lụa Hội An diễn ra buổi hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hệ thống thương cảng miền Trung với con đường tơ lụa trên biển - vai trò và các mối quan hệ”, do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và UBND TP.Hội An đồng chủ trì.
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học đầu ngành của nước ta và Nhật Bản cùng thảo luận chuyên sâu về lịch sử hình thành, vai trò các cảng thị ven biển miền Trung cũng như sự kết nối các cảng thị này với các thương cảng của Đông Á, Đông Nam Á qua con đường thương mại hàng hải. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định vấn đề thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng ven biển miền Trung đã được nghiên cứu sâu kỹ từ các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm mới cần cập nhật, nhiều tư liệu cần được thông tin, giải mã phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách. Hội thảo này là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Festival văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017. (T.C - L.Q - X.T)
* Tiêu thụ hơn 200kg sâm tại Lễ hội sâm núi Ngọc Linh
Sáng 13.6, huyện Nam Trà My tổ chức bế mạc Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ I - năm 2017. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham dự.
Sau 4 ngày tổ chức, lễ hội sâm núi Ngọc Linh với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” đã đạt được mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Thông qua lễ hội lần nay đã tôn vinh, quảng bá, giới thiệu về sâm Ngọc Linh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động chính của lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc. Trong đó, hội chợ thương mại trưng bày sản phẩm sâm Ngọc Linh và nông lâm sản đặc trưng miền núi Quảng Nam thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm với doanh thu bán hàng lên đến hơn 12,5 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm Ngọc Linh được bán ra hơn 200kg. (PHƯƠNG THUẬN - NGỌC SÁNG)
* Sôi nổi giải bơi lội, lắc thúng trên biển
Sáng 13.6, tại bãi biển Hạ Thanh 1, UBND xã Tam Thanh (Tam Kỳ) tổ chức giải bơi lội và lắc thúng truyền thống năm 2017. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng lễ hội festival.
Các vận động viên lắc thúng tăng tốc về đích. Ảnh: HOÀNG BIN |
Có 16 vận động viên tham gia tranh tài bơi lội và lắc thúng trên biển, cự ly 150m. Ngoài đội chủ nhà Tam Thanh còn có các vận động viên đến từ đội khách mời Tam Tiến (Núi Thành). Với sự dẻo dai, nhanh nhẹn, khéo léo, các vận động viên đã thi đấu hết mình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo du khách tham quan. Kết quả chung cuộc, giải nhất nội dung bơi lội thuộc về vận động viên Trần Đình Tàu (thôn Lộc Đông - xã Tam Tiến), ở nội dung lắc thúng, vận động viên Nguyễn Văn Tự (thôn Hà Quang - xã Tam Tiến) giành giải nhất. (HOÀNG BIN - MINH TẤN)
* Đưa vào hoạt động du lịch trải nghiệm trên sông Trường Giang
Ngày 13.6, UBND TP.Tam Kỳ đưa vào hoạt động du lịch trải nghiệm trên sông Trường Giang (xã Tam Thanh). Phương thức hoạt động du lịch là dùng thuyền thúng đưa du khách trải nghiệm trên sông, mỗi thuyền vận chuyển không quá hai du khách và phục vụ các loại hình như bơi thuyền ngắm cảnh, chụp hình, câu cá trên sông, đánh lưới, các hoạt động nghề của người dân vùng sông. Tuyến hoạt động từ bến nhà văn hóa thôn Hạ Thanh 2 đến bến sông thôn Trung Thanh (dài 1.500m). Mục tiêu của dự án là phát huy các tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tam Thanh, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. (TƯỜNG QUÂN)