(QNO) - Hiện nay, tình trạng giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện Tây Giang nhiễm Covid-19 tăng nhanh, nhiều phụ huynh lo lắng và ngại cho con đến trường vì sợ nhiễm bệnh.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng phải ngừng dạy học một tuần do thiếu giáo viên, nhân viên cấp dưỡng. Ảnh: ĐH
Bà Lê Kim Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến ngày 10.3, các trường học trên địa bàn đã có 143 ca F0 (gồm 44 giáo viên, công nhân viên và 99 học sinh) và có 872 ca F1. Riêng Trường THPT Tây Giang có 49 ca F0 (3 giáo viên và 46 học sinh) và Trường THPT Võ Chí Công có 19 ca F0, phần lớn là học sinh.
Do sợ con em mình bị nhiễm bệnh, nhiều phụ huynh không cho đến trường. Hiện nay, tỷ lệ học sinh ra lớp sau tết đạt 48,63%. Các trường bậc mẫu giáo, mầm non bình quân đạt 36,3%; THCS đạt 43,3%. Số lượng giáo viên bị F0, F1 nhiều ảnh hưởng đến bố trí dạy thay. Việc học bán trú một số trường mầm non, mẫu giáo chưa thực hiện được do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phụ huynh chưa muốn đưa trẻ đến trường. Ngoài ra, các trường gặp khó khăn trong mua sắm thiết bị test sàng lọc học sinh và công tác phòng chống dịch bệnh theo “5K” của Bộ Y tế.
Theo bà Lê Kim Vân, một số điểm trường phải nghỉ học do có nhiều giáo viên, nhân viên và học sinh bị nhiễm bệnh. Cụ thể, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan) và các điểm trường thôn tại xã A Tiêng, Bhalêê, A Nông, A Vương... "Với điều kiện của một huyện miền núi triển khai học trực tuyến rất khó nên giáo viên chỉ có thể giao bài tập về nhà cho các em thuộc diện F0, F1 tự làm" - bà Vân nói.
Thầy giáo Nguyễn Công Tươi - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công chia sẻ, nhà trường vẫn đang mượn tạm cơ sở của Ban Tuyên giáo Huyện ủy (cũ) để dạy nên việc bố trí sắp xếp học sinh còn rất khó khăn. Một lớp nhà trường phải bố trí tới 50 học sinh, nên khi có học sinh nhiễm F0 thì nguy cơ lây lan rất cao.
"Hiện chúng tôi phải cho khối 10 tạm nghỉ học và chuyển qua học trực tuyến vì số F0 nhiều. Còn khối 12 thì chúng tôi phải chia lại lớp. Theo đó, học sinh thuộc diện nguy cơ cao vào một lớp và những em nguy cơ thấp vào một lớp để tiếp tục dạy học" - thầy Tươi thông tin.
Tại Trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng có 41 cán bộ giáo viên, công nhân viên thì đã có 22 người là F0 nên việc dạy học trực tiếp phải tạm nghỉ vì thiếu giáo viên, nhân viên cấp dưỡng. Hiện nhà trường chuyển tài liệu ôn tập về cho các em ở nội trú và cả ngoại trú. Toàn trường có 335 học sinh và đã có 11 học sinh là F0. Nhiều phụ huynh lo sợ nên đã không cho con em mình đến trường. Còn tại trường Tiểu học A Xan thì số lượng học sinh đến lớp chỉ đạt 60% và có 13 học sinh và 4 giáo viên, nhân viên dương tính với Covid-19.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để đảm bảo việc dạy học và phòng chống dịch Covid-19, địa phương chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu và đưa con em mình trở lại trường và phải thực hiện tốt "5K" trong phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh.
"Các trường cần thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện về phòng chống dịch trong trường học, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và cũng không hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh trong phòng, chống Covid-19" - ông Blúi nói.