Tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi, vấn đề phân luồng sau THCS, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục… là những vấn đề được nêu ra trong quá trình thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 (khóa XXII).
Những điểm sáng
Trong chương trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gắn với Nghị quyết số 11 ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết 29, Quảng Nam kiến nghị Bộ Nội vụ tham mưu giao bổ sung cho tỉnh 599 biên chế sự nghiệp giáo dục, cụ thể: cấp mầm non 390 biên chế, cấp tiểu học 20 biên chế, cấp tiểu học 91 biên chế, cấp THCS 198 biên chế, cấp THPT 42 biên chế. Đồng thời, sớm ban hành thông tư quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông.
Báo cáo đánh giá, trong những năm qua, các cấp, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29 đạt những kết quả quan trọng. Hệ thống trường lớp cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, đầu tư phát triển.
Quảng Nam tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 547 trường học đạt chuẩn (chiếm 75,9%); trong đó mầm non có 179 trường, tiểu học 186 trường, THCS 158 trường, THPT 24 trường.
Công tác định hướng, phân luồng sau THCS được các trường quan tâm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 0,7%; đến năm 2022 là 6,7% (năm 2020 đạt 10,4%).
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, đến năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 793 trường mần non, phổ thông công lập và ngoài công lập với hơn 370 nghìn học sinh các cấp cùng hơn 27 nghìn giáo viên.
“Giáo dục Quảng Nam phát triển tương đối toàn diện cả về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp... Với mạng lưới, quy mô như hiện nay, Quảng Nam nằm trong tốp 10 cả nước” - ông Tường cho biết.
Miền núi thiếu 873 giáo viên các cấp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 gắn với Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, sâu sát; có nơi buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến một số cán bộ bị kỷ luật.
Việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý giáo dục hiện nay chưa thật hiệu quả và chưa có sự thống nhất giữa các địa phương; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ và kỹ năng tay nghề còn thấp. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực.
Chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học của nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hạn chế, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các huyện miền núi. Nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhiều năm chưa đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách tỉnh…
Phân tích những hạn chế của giáo dục Quảng Nam, ông Thái Viết Tường cho rằng, kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia của Quảng Nam hiện dẫn đầu các tỉnh Duyên hải miền Trung, tuy nhiên thực tế còn nhiều mặt không bền vững, “còn nợ nần, du di nhiều”. Với cơ sở vật chất hiện có và những quy định mới của Bộ GD-ĐT về đánh giá trường chuẩn thì nhiều trường dễ rớt chuẩn.
Ông Tường cũng cho rằng, cần có tổng kết, đánh giá về nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Báo cáo tổng kết nghị quyết đánh giá nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhiều năm chưa đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách tỉnh (năm 2017 là 16%; năm 2018: 15%; năm 2019: 15%; năm 2020: 14%).
Một trong những khó khăn nữa là khu vực miền núi của tỉnh hiện thiếu khoảng 873 giáo viên các cấp. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng ông Tường cho rằng, tỉnh chưa có cơ chế chính sách đủ sức giữ chân, thu hút giáo viên lên công tác miền núi.
Hiện Sở GD-ĐT chỉ thực hiện một số giải pháp trước mắt, tình thế để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. “Đây là vấn đề bức xúc, chúng ta phải cố gắng cùng nhau khắc phục, trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo việc dạy và học, không để ảnh hưởng cho con em, học sinh” - ông Tường chia sẻ.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Tường mong lãnh đạo tỉnh, địa phương và các ngành chức năng tiếp tục xác định rõ quan điểm ngay từ đầu là “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Nếu làm được thì giáo dục mới có sự chuyển biến. Đầu tư cho giáo dục sẽ kéo theo sự phát triển về kinh tế - xã hội và những vấn đề khác…