Tại hội nghị tổng kết công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp do UBND tỉnh tổ chức vào sáng qua (7.8), nhiều đại biểu cho rằng công tác này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu chỉnh lý hồ sơ đất đai và xây dựng hạ tầng thiết yếu tại những vùng đã DĐĐT.
Những năm qua, nông dân toàn tỉnh đã DĐĐT được 18.487ha đất nông nghiệp.Ảnh: VĂN SỰ |
Tiền đề của sản xuất hàng hóa
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, thực hiện Quyết định số 23/QĐ-UBND (ngày 5.8.2011) của UBND tỉnh, giai đoạn 2011 - 2017 Quảng Nam tiếp tục DĐĐT hơn 7.171ha đất nông nghiệp tại 235 thôn của 67 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố gồm Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn. Lũy kế từ trước đến nay, tại 455 thôn thuộc 92 xã của 9 địa phương vừa nêu đã DĐĐT được 18.487ha, trong đó chủ yếu là đất lúa. Ông Muộn nói: “Có thể khẳng định, DĐĐT đã giải quyết được tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất. Nếu trước đây bình quân mỗi hộ dân có từ 6 - 7 thửa thì sau khi DĐĐT giảm xuống còn 2 - 3 thửa/hộ. Trong khi đó, trước đây diện tích mỗi thửa thường dưới 500m2, nay hầu hết đều tăng lên hơn 1.000m2/thửa”.
Bên cạnh số tiền gần 44,5 tỷ đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ theo cơ chế 23, những năm qua chính quyền các địa phương đã nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu vực đã DĐĐT. Theo tìm hiểu, sau DĐĐT, chính quyền 9 huyện, thị xã, thành phố nêu trên đã tiến hành cứng hóa 365km trục chính giao thông nội đồng với tổng giá trị hơn 102 tỷ đồng. Đồng thời kiên cố hóa 468km kênh mương với tổng kinh phí gần 270 tỷ đồng. Cùng với đó, tích cực vận động nhân dân ra quân chỉnh trang lại đồng ruộng, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu để tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Lê Muộn thông tin thêm, sau khi DĐĐT các địa phương đã xây dựng được 300 mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật với tổng diện tích gần 6.000ha, chiếm 32% so với diện tích đã DĐĐT. Trong đó, diện tích liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa, giống bắp, giống đậu xanh khoảng 4.300ha. Giá trị sản xuất bình quân trên những diện tích đã DĐĐT đạt 70 - 100 triệu đồng/ha/năm, tăng 20 triệu đồng/ha/năm so với các diện tích sản xuất đại trà…
Nhiều tồn tại
Mặc dù đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng nhìn chung công tác DĐĐT trong những năm qua bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Theo ông Lê Muộn, một bộ phận cán bộ ở cơ sở thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, vì chưa thấy hết lợi ích của khâu DĐĐT và còn ngại va chạm. Đặc biệt, sau khi DĐĐT, nhiều nơi chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương án đã đề ra. Cạnh đó, việc quy hoạch hình thành những vùng chuyên canh nhằm hợp tác với doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa vẫn chưa nhiều, vì thế một số nơi hiệu quả đạt được sau DĐĐT không cao.
Cần đẩy nhanh tiến độ đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, DĐĐT và tích tụ ruộng đất là xu hướng tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Do vậy, mặc dù cuối năm 2017 các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chủ trương DĐĐT do UBND tỉnh ban hành đã kết thúc nhưng thời gian tới các ngành, địa phương phải linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác này. DĐĐT không chỉ thực hiện đối với đất canh tác lúa mà phải áp dụng trên cả đất màu và diện tích nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng tại những khu vực đã DĐĐT để hình thành nên mô hình cánh đồng mẫu. Đồng thời chú trọng việc liên doanh - liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu sản phẩm nhằm tạo đầu ra ổn định. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân, thời gian tới Sở TN-MT, Sở NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương phải tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất, cấp đổi và điều chỉnh lại bìa đỏ sau DĐĐT. “Tôi yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung thực hiện, hạn cuối là tháng 6.2019 phải giải quyết dứt điểm khâu này, không để chậm trễ hơn. Nếu cho rằng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ với mức 600 nghìn đồng/ha cho việc đo đạc, chỉnh lý biến động, cấp đổi và điều chỉnh lại bìa đỏ sau DĐĐT là thấp thì phải tiến hành rà soát lại và sớm tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh theo hướng nâng mức hỗ trợ lên” - ông Thanh nói. |
Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, tính đến thời điểm này địa phương đã DĐĐT được 6.000ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua công tác đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất và cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hoặc điều chỉnh lại trên bìa đỏ sau DĐĐT cho nông dân tiến hành rất chậm. Theo ông Hương, trong tổng số 6.000ha đất đã DĐĐT của Thăng Bình, hiện mới có hơn 50% hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý biến động, cấp đổi và điều chỉnh lại bìa đỏ. Tương tự Thăng Bình, lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng cho biết về sự ì ạch trong việc thực hiện khâu này. Theo tìm hiểu, trong tổng số 18.487ha đã DĐĐT trên toàn tỉnh, đến nay các cơ quan có trách nhiệm mới tiến hành đo đạc, chỉnh lý biến động được 15.627ha. Đáng nói là trong số 15.627ha đã đo đạc, chỉnh lý biến động vừa nêu thì hiện chỉ có gần 7.042ha (chiếm tỷ lệ 45,1%) hoàn thành việc cấp mới hoặc điều chỉnh bìa đỏ sau DĐĐT. Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp đổi bìa đỏ sau DĐĐT theo Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã được nâng lên 600 nghìn đồng/ha (năm 2014 trở về trước chỉ hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha) nhưng vẫn không đủ để thực hiện. Bên cạnh đó, bộ phận phụ trách khâu này có số lượng ít, khối lượng công việc cần giải quyết lại nhiều. Cần nói thêm, tại nhiều địa phương, có không ít hộ dân đem bìa đỏ đi thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn nên việc thu hồi sổ cũ để cấp đổi mới rất khó khăn, dẫn đến tiến độ chậm.
Nhiều đại biểu đến từ các địa phương khác cũng cho rằng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho những vùng đã DĐĐT là rất lớn, song kinh phí đầu tư hàng năm rất hạn chế. Do đó, nhiều vùng đã quy hoạch giao thông, kênh mương nội đồng nhưng chưa được đầu tư hoàn thiện nên khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, dẫn đến hiệu quả canh tác trên những diện tích này chưa cao…
NGUYỄN SỰ