Nhiều kiến nghị liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn

VĂN SỰ 21/11/2018 07:41

(QNO) - Sáng nay 21.11, đồng chí Võ Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở NN&PTNT để nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018 và một số nội dung quan trọng khác.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng phát biểu tại cuộc làm việc với Sở NN&PTNT sáng nay 21.11. Ảnh: VĂN SỰ
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng phát biểu tại cuộc làm việc với Sở NN&PTNT sáng nay 21.11. Ảnh: VĂN SỰ

Bước chuyển tích cực

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2018 cả tỉnh gieo trồng gần 150 nghìn héc ta cây hàng năm. Trong đó, riêng cây lúa nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố sản xuất 86,2 nghìn héc ta. Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi nên năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 53,6 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với năm ngoái. Ông Muộn nói: “Nhờ được mùa nên năm nay tổng sản lượng lúa của Quảng Nam đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2017”.

Theo ông Muộn, thời gian qua, nhờ các loại dịch bệnh nguy hiểm không bùng phát mạnh, giá bán sản phẩm trên thị trường có bước chuyển biến theo chiều hướng tích cực nên lĩnh vực chăn nuôi heo và gia cầm có nhiều khởi sắc. Qua thống kê, tính đến thời điểm này tổng đàn heo của tỉnh ước khoảng 475 nghìn con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017 và tổng đàn gia cầm là hơn 6,5 triệu con, tăng 3,3% so với cách đây 1 năm.

“Đáng ghi nhận là, những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi heo và gia cầm ở nhiều địa phương đã chuyển dần từ phương thức nhỏ lẻ sang phương thức tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 92 trang trại chăn nuôi gia cầm và 72 trang trại chăn nuôi heo đạt tiêu chí theo quy định. Cạnh đó, có 7 cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam - VietGAP” - ông Muộn chia sẻ.

Năm 2018, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 1 nghìn tấn so với năm 2017. Ảnh: VĂN SỰ
Năm 2018, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2017. Ảnh: VĂN SỰ

Theo số liệu thống kê, năm 2018 tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 13.590 tỷ đồng, tăng 5,24% so với năm 2017.

Ông Lê Muộn cho biết thêm, thời gian qua các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thủy hải sản đã có tác động tích cực đến việc phát triển năng lực tàu thuyền, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.405 tàu thuyền tham gia khai thác trên biển với tổng công suất 407 nghìn CV. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay ngư dân Quảng Nam đánh bắt được 90 nghìn tấn thủy hải sản các loại, tăng 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhờ đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh nên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng gặt hái được nhiều thắng lợi. Ông Muộn nói: “Năm 2018, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Quảng Nam là 8.400ha, sản lượng thu hoạch đạt 22 nghìn tấn, tăng 6,24% so với năm 2017”.

Về xây dựng NTM, chỉ tính riêng trong 3 năm (2016 - 2018) toàn tỉnh đã đầu tư thêm gần 6.600 tỷ đồng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 3.532 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 2.548 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã 238 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp và huy động từ các kênh khác 265 tỷ đồng. Theo thống kê mới nhất, tính đến thời điểm này bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia thực hiện chương trình NTM trên địa bàn Quảng Nam là 13,51 tiêu chí/xã, tăng 2,1 tiêu chí/xã so với năm 2015 và tăng 10,9 tiêu chí/xã so với năm 2010. Hiện nay còn 36 xã đạt dưới 8 tiêu chí (giảm 1 xã so với năm 2017) và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí (năm 2010 có đến 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí).

Ông Lê Muộn cho hay, đến nay cả tỉnh đã có 72 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và dự kiến năm 2018 này sẽ có thêm 14 xã cán đích, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 86 xã (chiếm tỷ lệ 42,15%). “Thời gian qua, thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh tiếp tục chú trọng thực hiện nhiều khâu nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong khi đó, huyện Duy Xuyên đang nỗ lực triển khai nhiều phần việc để phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020” - ông Muộn nói.

Nhiều khó khăn

Mặc dù thời gian qua lĩnh vực xây dựng NTM của tỉnh có bước chuyển tích cực nhưng thực tế cho thấy vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, ngày 8.1.2018 UBND tỉnh có Công văn số 81/UBND-KTN về việc tạm dừng cho các địa phương khai thác đất san lấp và cát sỏi tại chỗ phục vụ chương trình xây dựng NTM, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương nên thời gian qua rất khó khăn trong thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù là được tận dụng vật liệu tại địa phương. Giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao, đặc biệt là cát sỏi, đất san lấp do địa phương không được khai thác nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình NTM.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho chương trình NTM hiện vẫn còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Có quá nhiều chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nông thôn dẫn đến đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp. Cơ chế lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án chưa được trung ương hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, do mỗi chương trình, dự án có những mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc đầu tư khác nhau. Một số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018 - 2020 nhưng tổng nguồn vốn trung hạn từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh tại Quyết định số 150/QĐ-UBND (ngày 12.1.2018) của UBND tỉnh không đủ để thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định.

Nhiều địa phương gặp khó trong xây dựng hạ tầng nông thôn vì không được khai thác đất san lấp và cát, sỏi tại chỗ. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều địa phương gặp khó trong xây dựng hạ tầng nông thôn vì không được khai thác đất san lấp và cát sỏi tại chỗ. Ảnh: VĂN SỰ

Bên cạnh đó, việc khai thác quỹ đất gặp nhiều khó khăn, do phải lập nhiều thủ tục và phải qua nhiều bước thực hiện rất rườm rà nên một số địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong NTM còn nhiều vướng mắc, thủ tục phức tạp như lập hồ sơ xây dựng công trình, các thiết kế mẫu chưa phù hợp, hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều thủ tục, quản lý chất lượng công trình phải theo các quy định xây dựng cơ bản hiện hành, bắt buộc sử dụng gạch không nung... nên chưa khuyến khích được việc giao thầu cho cộng đồng dân cư và nhóm thợ, cá nhân trong xã thực hiện các công trình trong xây dựng NTM.

Không chỉ vậy, việc triển khai nguồn vốn phát triển sản xuất còn khó do năm 2018 phải triển khai theo quy trình mới. Theo đó, đối với các dự án phát triển sản xuất phải thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT (ngày 1.3.2017) của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với việc tiêu thụ sẩm phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít nên địa phương lúng túng trong việc chọn dự án có liên kết chuỗi giá trị...

Ông Lê Muộn kiến nghị HĐND tỉnh sớm ban hành quy định tỷ lệ điều tiết về ngân sách xã trong khai thác quỹ đất theo quy định tại Quyết định số 1760/QĐ-TTg (ngày 10.11.2017) của Thủ tướng Chính phủ để các xã có điều kiện huy động nguồn lực thực hiện chương trình NTM. Đồng thời chỉ đạo sớm tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương được khai thác đất san lấp và cát sỏi phục vụ chương trình xây dựng NTM, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù, tận dụng được vật liệu tại chỗ để giảm mức đối ứng khi tham gia xây dựng NTM. Cùng với đó, quan tâm bổ sung nguồn lực cho chương trình NTM ngoài kế hoạch trung hạn. Xem xét sớm bố trí nguồn lực trong năm 2018 để 2 huyện Phú Ninh, Duy Xuyên có điều kiện duy trì và thực hiện mục tiêu huyện NTM vì thời gian từ nay đến năm 2020 còn ít, trong khi khối lượng công việc của 2 huyện rất nhiều.

Ngoài ra, ông Lê Muộn đề xuất HĐND tỉnh xem xét thống nhất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để ưu tiên cho cấp xã xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình NTM do việc khai thác quỹ đất ở xã gặp nhiều khó khăn. “HĐND tỉnh cũng cần xem xét hỗ trợ từ ngân sách tỉnh các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, gạo, tiền ăn cho học sinh... cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đã đạt chuẩn NTM để các xã này có điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM một cách bền vững” - ông Muộn nói thêm.

VĂN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều kiến nghị liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO