Từ ngày 23.9 đến ngày 4.10.2017, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam tổ chức tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh, với hơn 2.650 lượt cử tri tham gia.
Người dân kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ trồng rừng. Ảnh: B.A |
Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tài nguyên môi trường… được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Về nông nghiệp, nông thôn
Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm các vấn đề như: Xem xét nâng mức hỗ trợ bảo vệ rừng được quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời ban hành chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng đường lâm sinh tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng sản xuất. Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ trồng rừng cho các xã dọc tuyến biên giới để thay thế diện tích rừng nghèo kiệt, rừng bị tàn phá bởi thiên tai, hỏa hoạn,... nhằm bảo vệ tuyến hành lang biên giới quốc gia, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào khu vực này.
Đề nghị Bộ NN&PTNT đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để người dân dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nhất là điều kiện đảm bảo để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Cần có chính sách bình ổn giá cây trồng, con vật nuôi và phân bón, thuốc trừ sâu nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm lao động vùng nông thôn.
Về đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông - vận tải
Cần chính sách thiết thực hỗ trợ thanh niên Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người lao động (thanh niên) dễ tiếp cận được nguồn vốn vay khởi nghiệp. Cụ thể: giảm bớt các thủ tục, như vướng mắc về hộ khẩu, tài sản thế chấp, chứng minh tính khả thi từ mô hình kinh tế,... được quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ vốn vay cho thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế; thành lập nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm đối với thanh niên khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. |
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tổng rà soát các đoạn sông xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trong hệ thống sông Thu Bồn và sông Vu Gia; bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống kè chống sạt lở các bờ sông. Cụ thể: sông Vu Gia (đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Phú Thuận, xã Đại Thắng và thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc); đồng thời hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP.Hội An).
Cử tri vùng B, huyện Đại Lộc đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) qua xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc) và nối quốc lộ 14B. Mục đích tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân khu vực vùng B.
Hiện nay, vị trí đặt 2 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Quảng Nam) có khoảng cách 53km không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 159/2013/TT- BTC ngày 14.11.2013 của Bộ Tài chính. Trong khi đó, mức thu phí quá cao, gấp 3,5 lần so với mức thu phí trước đây, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị Bộ GT-VT chỉ đạo di dời trạm thu phí BOT đến vị trí mới đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km, chỉ đạo hạ mức thu phí tại 2 trạm này; đồng thời xem xét miễn, giảm mức thu phí đối với các phương tiện thuộc địa bàn Quảng Nam khi lưu thông qua 2 trạm thu phí trên.
Tài nguyên môi trường
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã dừng hoạt động khai thác từ tháng 4.2017 (do giấy phép khai thác hết hạn) dẫn đến một số tồn tại. Bao gồm: tình hình khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong khu vực công ty quản lý xảy ra phức tạp; công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý khoáng sản ở một số khu vực chưa chặt chẽ; công ty nợ tiền đóng góp xây dựng địa bàn (4 tỷ đồng); nợ các nhà thầu và hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn (khoảng 30 tỷ đồng)... Đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường có giải pháp quản lý, bảo vệ lâm, khoáng sản trong khu vực Công ty TNHH Vàng Phước Sơn quản lý; đồng thời giải quyết những vướng mắc tồn tại của công ty nêu trên.
Cử tri cũng đề nghị Bộ TN-MT chỉ đạo đơn vị tổ chức thăm dò uranium tại xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang xem xét, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường (nhất là nguồn nước, phóng xạ...) ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân và bồi thường diện tích đất đai sử dụng trong quá trình tổ chức thăm dò cũng như sớm công bố kết quả thăm dò.
T.BÌNH (tổng hợp)