Nhiều mô hình hay của hội phụ nữ

HOÀNG LIÊN 12/09/2016 09:09

Năm năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đại Lộc đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò tự chủ về kinh tế; qua thực tiễn xuất hiện nhiều mô hình hay, thiết thực.

Đồng hành với phụ nữ nghèo

Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc cho biết, trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xóa hộ đói - giảm hộ nghèo là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với mỗi địa phương, đòi hỏi phụ nữ các cấp không ngừng sáng tạo trong việc xây dựng, phát động nhiều mô hình phụ nữ tương thân tương ái giúp nhau phát triển kinh tế. Toàn huyện có 107 câu lạc bộ do phụ nữ khởi xướng, có nhiều mô hình hay như các Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ phát triển kinh tế”,  “Phụ nữ tiểu thương”, “Phụ nữ vượt khó”… Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: cánh đồng rau màu cao sản, cánh đồng lớn, mô hình gia trại nuôi heo, bò, ngan ngỗng, bồ câu lai Pháp… có sự góp sức của phụ nữ đã góp phần cải thiện bức tranh kinh tế hộ, tạo thành quả cho mục tiêu giảm nghèo của huyện.

Nhiều tổ hợp tác do phụ nữ xây dựng, làm chủ như tổ hợp tác bánh tráng, mây tre đan, làm hương, chổi đót… góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, khôi phục các làng nghề truyền thống tại địa phương. Tỷ lệ lao động nữ của huyện được làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp như may mặc, chế biến thủy sản, sản xuất gạch men, thiết bị may mặc hay trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng tăng, đóng góp vào sự chuyển dịch giá trị kinh tế địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên bàu Sấu của gia đình chị Trần Thị Nguyệt (Đại Đồng). Ảnh: H.LIÊN
Mô hình nuôi cá lồng bè trên bàu Sấu của gia đình chị Trần Thị Nguyệt (Đại Đồng). Ảnh: H.LIÊN

Việc hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân vươn lên trong cuộc sống cũng được các cấp hội chú trọng, bằng việc vận dụng linh hoạt các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh. Các cấp hội phụ nữ hàng năm đều khảo sát, tìm hiểu những trường hợp và những nguyên nhân nghèo của phụ nữ để có hướng giúp đỡ phù hợp. Với những phụ nữ thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, các cấp hội đã đứng ra tín chấp, hỗ trợ chị em vay vốn. Năm năm qua, nguồn nguồn hỗ trợ vay vốn qua tín chấp của phụ nữ huyện lên tới 99,49 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ đơn thân khó khăn. Các cấp hội còn trao phương tiện sinh kế như giống heo bò gà, trao giỏ sắt, xe đạp để làm phương tiện buôn bán, trao sổ tiết kiệm, trao nhà tình thương… cho phụ nữ nghèo. Bên cạnh đó, vận động phụ nữ tiết kiệm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng gần 500 tổ nhóm góp vốn quay vòng; mở 36 lớp đào tạo nghề may tre đan, may công nghiệp… Qua các lớp học, hàng trăm lao động nữ nhờ nỗ lực đã được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn có mức lương ổn định để trang trải kinh tế…

“Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm mà 5 năm qua, toàn huyện có gần 360 phụ nữ có điều kiện thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn việc rà soát, nắm bắt địa chỉ phụ nữ nghèo để tiếp tục đồng hành với chị em. Mỗi năm, chỉ tiêu đặt ra là mỗi cơ sở hội phải giúp ít nhất 5 phụ nữ có việc làm ổn định. Việc hỗ trợ sinh kế như trao heo, bò, gà, trao tặng mái ấm, sổ tiết kiệm, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách cũng được chú trọng. Mục tiêu làm sao phấn đấu mỗi năm giảm 1 - 1,5% tỷ lệ hộ nghèo” - bà Mừng nói.

Phụ nữ tự chủ, đảm đang

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được các cấp hội phụ nữ huyện Đại Lộc hưởng ứng mạnh mẽ. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn huyện có 2.590 phụ nữ đạt danh hiệu “2 giỏi” ở các cấp. Riêng Ban nữ công huyện có hơn 2.600 lượt phụ nữ được công nhận danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015, trong đó có 305 phụ nữ được công nhận danh hiệu “2 giỏi” cấp tỉnh. Tại các đơn vị, doanh nghiệp, cũng có nhiều gương phụ nữ điển hình “2 giỏi” được vinh danh.

Nhiều gương phụ nữ điển hình đã vươn lên tự chủ về kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Tại xã Đại Đồng, điển hình là chị Trần Thị Nguyệt (50 tuổi, thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng). Chị Nguyệt cùng chồng có 3 con đang tuổi ăn tuổi học, trong đó hai con đang học đại học. Ngoài cùng chồng làm 6 sào ruộng, chị tranh thủ chạy chợ mỗi sớm với số cá tôm chồng đánh bắt và tranh thủ làm thêm ở một cơ sở để kiếm thêm thu nhập hai triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng chị còn đầu tư nuôi cá lồng bè trên bàu Sấu gần nhà với 8 lồng nuôi, khai thác triệt để tầng mặt, tầng đáy, chị thả nuôi nhiều loại trắm cỏ, mè, trê lai, cá lóc… Ước tính, thu nhập từ nghề nuôi cá nước ngọt mỗi năm đem lại cho gia đình chị nguồn thu 200 triệu đồng. Chị Nguyệt cho biết: “Do chúng tôi nuôi cá sạch, không cho cá ăn thức ăn công nghiệp mà chỉ cho cá ăn thức ăn chế biến từ nông nghiệp như chuối cây xắt nhỏ, cỏ, cá tạp, tôm tép xay nghiền… nên được ưa chuộng, bán với giá cao. Vì nuôi xen ghép nhiều loại và nhiều lứa nên lúc nào cũng có cá để bán, con từ 1kg đến 4kg”.

Chị Trịnh Thị Thu (thôn Bàn Tân, Đại Đồng) hơn 10 năm qua đã chủ động mở rộng cơ sở làm hương phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 công nhân địa phương với mức thu nhập dao động 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở chị hiện đã đầu tư được nhiều loại máy móc giá trị như máy đánh bột, xay bột, máy phóng hương… Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, chị lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm thị trường, từ Hội An cho tới Đà Nẵng. Mỗi tháng, cơ sở chị cho ra đời 1 tạ hương, mỗi năm tiêu thụ 2 tấn bột trầm, 2 tấn bột tùng và 500kg bột quế, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều mô hình hay của hội phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO