Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với cách làm khoa học, sáng tạo, việc học tập và làm theo Bác đã dần thẩm thấu, trở thành ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.
Giao lưu với các điển hình nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước, ngày 11.6.2018. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Triển khai thiết thực
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm các mô hình hay, cách làm sáng tạo trước đây trong học tập và làm theo gương Bác Hồ, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở các địa phương trong tỉnh đã căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tiễn để lựa chọn và tiếp tục duy trì những mô hình, cách làm theo thực sự mang lại hiệu quả. Đồng thời chủ động triển khai nhiều cách làm, mô hình mới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Như các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Quế Sơn, Trường Đại học Quảng Nam, Tỉnh đoàn… tổ chức thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm sân khấu với chủ đề học tập làm theo gương Bác thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia. Hay như huyện Nam Trà My tổ chức tọa đàm kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác; huyện Hiệp Đức tổ chức tọa đàm chủ đề “Phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; huyện Đông Giang tổ chức dịch và biên tập chuyên đề học và làm theo Bác hằng năm bằng tiếng Cơ Tu để tuyên truyền và phát trên kênh sóng đài phát thanh - truyền hình huyện đến với bà con. Nhiều địa phương còn thành lập “Đội tuyên truyền lưu động chỉ thị 05”, đội kể chuyện về Bác; sân khấu hóa chuyên đề Chỉ thị 05 thành dân ca bài chòi, ca kịch xứ Quảng, kịch nói... để lưu diễn, tuyên truyền tại địa phương.
Có những mô hình hay, hiệu quả được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức, phù hợp địa phương, cơ quan đơn vị, tạo hiệu ứng tích cực. Có thể kể đến Phú Ninh với mô hình “4 đúng, 4 phải, 3 sát (4 đúng: đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng chủ trương chính sách, pháp luật; 4 phải: minh bạch, tận tình, chính xác, đúng hẹn; 3 sát: sát dân, sát việc, sát cơ sở)” để hướng đến “3 nhất (gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất)”. Phú Ninh còn mô hình “Chi đảng bộ cơ quan giúp thôn khối phố xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, với 70 chi đảng bộ giúp 85 thôn… Ở khu vực miền núi cũng đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả và tạo sức lan tỏa, như huyện Nam Trà My tổ chức cho “3 cán bộ giúp một hộ dân đăng ký thoát nghèo”, Bắc Trà My triển khai “Cán bộ đảng viên đồng hành với người nghèo”, hay Nông Sơn thành lập “Đội can thiệp nhanh”, Quế Sơn thực hiện phong trào “Biến rác thải thành sinh kế trao cho phụ nữ nghèo”. Ở huyện miền núi Phước Sơn còn có mô hình “3 không, 3 cần, 3 quyết tâm”. Trong đó, Phước Sơn nỗ lực không gây phiền hà, nhũng nhiễu dân, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân, không đưa và nhận hối lộ; song song với đó là luôn vui vẻ, lắng nghe, học hỏi dân, xin lỗi và cảm ơn dân khi được góp ý, phê bình và vận động dân cùng lo, cùng làm vì cộng đồng; đồng thời quyết tâm phát huy dân chủ - kỷ cương - đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nói đi đôi với làm, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nhiều điển hình tiêu biểu
Từ các mô hình, cách làm trong học tập và làm theo gương Bác Hồ, ở các địa phương, đơn vị đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu. Trong đó có thể kể đến gương sáng cô giáo Lê Kim Vân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, luôn sâu sát phong trào, chỉ đạo xây dựng các mô hình mới, hiệu quả giúp hộ nghèo. Cô Vân cũng là báo cáo viên Huyện ủy, sau giờ lên lớp thường về thôn bản kể chuyện về Bác cho hội viên phụ nữ, nhất là cho thế hệ trẻ tại các điểm trường THPT và THCS của huyện. Hay gương sáng cô giáo Đặng Thị Thanh Thảo - giáo việc Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Cô Thảo là người khởi xướng thành lập câu lạc bộ “Tình quê”, với tấm lòng thiện nguyện đã tích cực đi quyên góp, kêu gọi các chủ doanh nghiệp trên địa bàn giúp người nghèo; phân công thành viên câu lạc bộ và bản thân đến dọn nhà, tắm rửa cho những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn.
Điều đáng mừng là ở bất cứ lĩnh vực nào, tầng lớp, lứa tuổi nào cũng xuất hiện những điển hình đáng để nêu gương trong học tập và làm theo Bác Hồ. Ở xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, có gương cựu chiến binh Triệu Quang Lai vẫn luôn nỗ lực tìm hài cốt đồng đội theo tiếng gọi trái tim, tiếng gọi đạo đức, nhân văn. Hay cụ Tăng Bồn, xã Đại Hồng, Đại Lộc, dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn một lòng làm việc nghĩa, thiện nguyện giúp đời. Gương sáng người trẻ có thể kể đến đảng viên Trần Thiên Trúc, từ những năm còn sinh viên đã sôi nổi tham gia phong trào hội sinh viên, sau khi ra trường công tác tại cơ quan Công an huyện Núi Thành, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Trần Thiên Trúc vẫn tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, vận động quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo vượt khó...
Có thể thấy, trong 2 năm Chỉ thị 05 đi vào đời sống đã xuất hiện những tấm gương sáng, dù ở tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội có khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Trong học tập, làm theo gương Bác, mỗi điển hình đã góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội, hạnh phúc cho mọi nhà. Đồng thời tạo sự tác động tích cực nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin trong nhân dân.
LÊ THỊ KIM HUỆ