Nhiều năm liền toàn tỉnh không có người mắc bệnh sởi

CHÂU NỮ 16/09/2018 03:19

(QNO) - Từ năm 2015 đến nay, Quảng Nam không có trường hợp mắc sởi. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn không chủ quan với dịch bệnh nguy hiểm này.

Tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: C.N
Tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: C.N

Trong khi một số tỉnh, thành trong cả nước bùng phát dịch sởi với nhiều trường hợp mắc sởi được ghi nhận thì tại Quảng Nam, theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 2015 đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Nhi Quảng Nam cũng cho biết, lâu nay không có trường hợp mắc bệnh sởi nhập viện.

Ở các huyện miền núi, công tác tiêm phòng thường gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn được người dân hưởng ứng. Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh này ở Quảng Nam đạt 100%. Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ đạt được kết quả như vậy là từ năm 2015, Quảng Nam tổ chức chiến dịch tiêm vét vắc xin để phòng bệnh sởi cho tất cả trẻ em trong tỉnh từ 15 tuổi trở xuống. Nghĩa là, ngoài tiêm chủng thường xuyên, trẻ em dưới 15 tuổi đều được tiêm nhắc lại một mũi vắc xin phòng bệnh sởi.

Trong tháng 8, toàn tỉnh phát hiện 112 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 110 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 1 trường hợp sốt rét; 61 trường hợp bệnh lao phổi; 29 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 6 trường hợp viêm gan vi rút B; 751 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 68 trường hợp mắc bệnh quai bị...

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 580 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue; 485 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 4 trường hợp sốt rét; 321 trường hợp bệnh lao phổi; 771 trường hợp mắc bệnh thủy đậu; 36 trường hợp viêm gan vi rút B; 5.750 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 503 trường hợp mắc bệnh quai bị; 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

“Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trước đây, có quan niệm bệnh sởi chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin là đã có thể phòng bệnh. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Trẻ tiêm 1 mũi vẫn có thể mắc bệnh. Dù không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100% nhưng việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp phòng bệnh tối ưu. Lịch tiêm sởi thông thường bắt đầu từ khi trẻ được 9 tháng tuổi; những năm gần đây, ngành y tế tiêm nhắc mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng tuổi” - bác sĩ Hoàn nói.

Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, bệnh sởi rất dễ lây nên cách ly trẻ mắc sởi hoặc nghi mắc bệnh sởi. Khi trẻ có dấu hiệu mắc sởi như sốt, phát ban, ho hoặc chảy nước mũi, đau mắt đỏ cần đưa trẻ đến bệnh viện. 

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều năm liền toàn tỉnh không có người mắc bệnh sởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO