Thực trạng các nhà báo trên thế giới bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại các điểm “nóng” vẫn diễn ra rất đáng lo ngại.
Liên đoàn quốc tế các nhà báo (IFJ) đã ghi nhận có ít nhất 108 nhà báo và nhân viên truyền thông bị thiệt mạng trong năm 2013 khi đang tác nghiệp. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều phóng viên bị sát hại nhất. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, gần 30 nhà báo trên thế giới bị thiệt mạng tại các điểm xung đột như Syria, Iraq, Pakistan… và mới đây là tại điểm “nóng” gây chấn động dư luận Ukraine.
Nhà báo Nga Igor Kornelyuk vừa thiệt mạng tại Ukraine. (ảnh: thestar.com) |
Cụ thể, vào ngày 17.6, cộng đồng quốc tế phẫn nộ và lên án về việc 2 phóng viên truyền hình Nga đã thiệt mạng trong trận đối đầu ác liệt giữa quân chính phủ Ukraine và người biểu tình ở miền đông nước này. Đó là phóng viên Igor Kornelyuk, 37 tuổi của kênh truyền hình Rossiya - 24, ngừng thở tại bệnh viện sau khi đưa tin về cuộc tấn công của quân chính phủ vào trung tâm miền đông, gần thành phố Lugansk. Trong khi đó Anton Voloshin, chuyên gia âm thanh thiệt mạng ngay tại hiện trường. Còn Viktor Denissov - một nhà quay phim may mắn sống sót sau vụ tấn công kể lại với hãng tin Russian LifeNews rằng, một trong những quả đạn pháo lao vào nhóm phóng viên, anh chạy sang hướng khác khi mặt đất bùng nổ. Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức nhận định cái chết của 2 phóng viên trên thể hiện “bản chất tội ác” trong hoạt động quân sự của Ukraine chống lại người biểu tình và thúc giục các nhà chức trách của Kiev tiến hành điều tra bi kịch này và trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án kịch liệt xung đột bạo lực khiến 2 nhà báo Nga thiệt mạng, đồng thời yêu cầu điều tra vụ sát hại này cũng như bày tỏ quan ngại sâu sắc khi vẫn còn rất nhiều nhà báo trên thế giới đang có mặt tại Ukraine hay tại nhiều điểm “nóng” khác để thực hiện vai trò báo chí, truyền thông. Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, một nhiếp ảnh gia người Italy cùng người phiên dịch thiệt mạng cũng do súng cối ở miền đông Ukraine.
IFJ nhận định, các nhà báo đóng vai trò truyền thông rất lớn, đưa tin về tình hình, diễn biến khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các điểm “nóng” xung đột. Thế nhưng, các nhà báo lại gặp rất nhiều rủi ro, bị bắt cóc, kể cả nguy hiểm đến tính mạng; nhiều nữ phóng viên bị bạo hành khi tác nghiệp. Do đó, IFJ kêu gọi chính quyền tại các nước phải “có ngay lập tức các biện pháp nghiêm ngặt và an toàn để cho máu của giới truyền thông ngừng đổ” và kêu gọi các nhà báo tác nghiệp hết sức thận trọng, nhất là tại các điểm xung đột, bạo lực.
Để đảm bảo an toàn cho các nhà báo, thế giới đã có không ít những mô hình pháp luật và tổ chức bảo vệ nhà báo đang hoạt động cũng như góp phần chia sẻ, hạn chế những rủi ro xuất phát từ nghề báo. IFJ là một ví dụ, có trụ sở ở thủ đô Brussels của Bỉ, đại diện cho hơn 600 nghìn nhà báo ở 131 nước. Ngay đầu năm 2012, IFJ kêu gọi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hành động để bảo vệ các nhà báo trên thế giới trước tình trạng một số chính phủ đã không hành động thích đáng để bảo vệ các nhà báo cũng như không trừng phạt những kẻ gây bạo lực chống nhà báo.
QUỐC HƯNG