Nhiều nước áp thuế đồ uống có đường

QUỐC HƯNG 23/06/2018 15:17

(QNO) - Đến nay, hàng chục nước trên thế giới đánh thuế đồ uống có đường vì lo ngại những rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về sự nguy hiểm của nước uống có đường. Ảnh: Metro
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về sự nguy hiểm của nước uống có đường. Ảnh: Metro

Anh

Kể từ tháng 4 vừa qua, quy định đánh thuế đối với nước giải khát có đường tại Anh chính thức có hiệu lực, nhằm góp phần giảm tỷ lệ béo phì và sâu răng ở trẻ em do việc tiêu thụ đồ uống có đường. Theo đó, có hai mức thuế sẽ đánh vào những loại đồ uống có đường. Đó là hàm lượng đường hơn 5gr/100ml phải chịu mức thuế 0,21 euro (0,25 USD) cho mỗi lít nước và hơn 8gr/100ml sẽ bị áp thuế 0,31 USD/1 lít nước. Chính phủ Anh cho biết tiền thu thuế này (ước tính khoảng 274 triệu euro mỗi năm) sẽ tài trợ cho các hoạt động thể dục - thể thao hay các bữa ăn sáng tại các trường học.

Pháp

Kể từ năm 2012, tất cả loại nước giải khát có đường bị đánh thuế với mức 5,73 euro/100 lít, ngay lập tức tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân Pháp. Tạp chí Le Figaro cho biết người tiêu dùng Pháp tiêu thụ đồ uống có đường ít hơn nhiều so với tại nhiều nước. Ví như, người Pháp đã uống 65,5 lít bình quân đầu người trong năm 2015 so với 106,6 lít ở Anh. Trong khi đó, bình quân tại Mỹ tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi lượng đồ uống có đường so với tại Pháp. Vào tháng 10 năm ngoái, Chính phủ Pháp tiếp tục tăng thuế lên 19 xu/lít cho các sản phẩm có hàm lượng đường hơn 11g/100ml.

Ả-rập Xê-út

Đây là một trong những quốc gia vùng Vịnh mạnh tay với thuốc lá, đồ uống có đường, nước tăng lực vốn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, mặt khác khiến chi phí y tế do Chính phủ chi trả tăng cao. Kể từ tháng 6.2017, Ả-rập Xê-út đánh thuế 50% với đồ uống có đường và 100% vào hai mặt hàng thuốc lá và nước uống tăng lực. Các sản phẩm này kèm theo một lời cảnh báo bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Anh về tác hại cũng như nguy cơ sức khỏe khi đối với người tiêu dùng.

Thái Lan

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đã ở mức báo động, tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Các nghiên cứu cho thấy, nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như: béo phì, sâu răng, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương, thậm chí ảnh hưởng đến bệnh hen và hệ thống sinh sản.

Thái Lan là một quốc gia khối Đông Nam Á đang lên kế hoạch áp thuế đối với các loại đồ uống chứa đường và các nhà sản xuất tại Thái Lan có hai năm để chuẩn bị. Trước đó vào tháng 9.2017, nước giải khát chứa hàm lượng đường quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 6gr/100ml tại Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt gấp đôi và sẽ tăng trong vòng 6 năm.

Singapore

Đảo quốc sư tử - Singapore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên đánh thuế và dán nhãn lên các loại nước uống có đường nhằm cảnh báo để giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe do tình trạng thừa đường gây ra. Các công ty sản xuất nước giải khác hàng đầu tại Singapore như Coca Cola, Pepsi F&N Foods, Malaysia Dairy Industries, Nestle, Pokka và Yeo Hiap Seng đã ký cam kết với Chính phủ Singapore rằng toàn bộ sản phẩm nước ngọt của họ sẽ có tỷ lệ đường không quá 12% vào năm 2020, chỉ riêng cho thị trường nước này.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nước áp thuế đồ uống có đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO