Dù còn gây tranh cãi, nhiều nước trên thế giới vẫn mạnh tay hơn đối với nước ngọt hay đồ uống có đường.
Một số sản phẩm đồ uống có đường và ga. |
Kể từ ngày 1.10, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt, với mức thuế 50% và một số đồ uống có ga, loại nước tăng lực bị áp mức thuế lên tới 100%. Ngoài ra, mặt hàng thuốc lá cũng phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 100%. Theo các nhà chức trách, quy định trên không chỉ đem về cho UAE hàng triệu USD mỗi năm từ nguồn thu thuế trên, mà quan trọng hơn cả là giúp người dân UAE thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm có lợi hơn cho sức khỏe.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên hấp thu lượng đường ít hơn 10% tổng nhu cầu năng lượng, người lớn không nên vượt quá 50g đường và đối với trẻ em không nên vượt quá 25g mỗi ngày. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh béo phì. WHO kêu gọi các quốc gia trên thế giới nên sử dụng chính sách thuế để tăng giá bán những loại đồ uống có đường nhằm chống lại bệnh béo phì, tiểu đường và sâu răng, đặc biệt là ở trẻ em. Singapore hiện đánh thuế và dán nhãn cảnh báo lên sản phẩm đồ uống có đường. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, đây là những bước đi đầu tiên để ngăn chặn bệnh béo phì tại đảo quốc sư tử, mang lại lối sống khỏe mạnh hơn cho người dân. Các công ty sản xuất nước giải khát lớn tại Singapore như Coca Cola, Pepsi cam kết, đến năm 2020 sẽ cắt giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm nước ngọt có ga dành riêng cho thị trường Singapore, với tỷ lệ đường không quá 12%.
Vào năm 2013, quy định đánh thuế vào mặt hàng nước uống có đường tại Mexico đi vào hiệu lực, nhận được sự phản đối từ các công ty sản xuất nước ngọt. Họ cho biết chính sách của Thủ tướng Mexico, Enrique Peña Nieto khiến cho hàng chục nghìn lao động trong ngành liên quan bị mất việc. Đồng thời cho rằng, đánh thuế không phải là cách giải quyết hiệu quả tình trạng béo phì bởi bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải chỉ có việc tiêu thụ đường. Tuy nhiên, Mexico cho thấy số lượng đồ uống có đường tại bán ra nước này đã giảm hơn 10% hai năm sau khi quy định đi vào hiệu lực và tiếp tục giảm cho đến nay. Còn Brunei bắt đầu đánh thuế đồ uống có đường kể từ tháng 4.2017. Justin Wong Yun Yaw - chuyên gia thuộc Bộ Y tế Brunei cho biết, chính sách này sẽ giúp người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không đường hoặc tối thiểu không vượt quá tỷ lệ đường trong đồ uống ngọt theo khuyến cáo của WHO, nhằm giải quyết tình trạng béo phì đang tăng nhanh. Việc người dân ủng hộ đánh thuế như vậy buộc các công ty sản xuất đồ uống ngọt phải điều chỉnh công thức chế biến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, đến nay đã có một số quốc gia bãi bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có ga sau hàng chục năm áp dụng. Đan Mạch từng đánh thuế sản phẩm nước ngọt nhưng tiến tới bãi bỏ hoàn toàn loại thuế này vào năm 2014. Chính phủ Đan Mạch cho biết, phần thâm hụt ngân sách sau khi dỡ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát có ga sẽ được bù đắp bởi phần doanh thu vốn bị mất đi hằng năm từ việc người dân mua các mặt hàng này từ các nước láng giềng như Thụy Điển hay Đức với mức giá rẻ hơn.
NAM VIỆT