Nhiều nước ASEAN tăng lương cho người lao động

QUỐC HƯNG 01/02/2018 14:36

Nhằm cải thiện đời sống của người lao động, nhiều nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đồng loạt tăng lương tối thiểu cho người lao động kể từ năm 2018.

Một xưởng may mặc tại Myanmar. Ảnh: AP
Một xưởng may mặc tại Myanmar. Ảnh: AP

Tại một số quốc gia trong khu vực, mức lương tối thiểu của người lao động, đặc biệt trong ngành may mặc được đánh giá còn khá thấp, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó ngành may mặc là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của các quốc gia. Báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết, mặc dù xét trong bối cảnh toàn cầu, mức tăng lương của khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung có xu hướng vượt trội hơn so với mức bình quân của thế giới, nhưng 1/3 trong tổng số người lao động khu vực này vẫn không thể vượt qua ngưỡng thu nhập diện nghèo 2USD/ngày. Trang Nikkei Asian Review cho biết, những đề nghị tăng mạnh lương tối thiểu lên 50% đang lan khắp khu vực Đông Nam Á, khi người lao động ý thức được quyền lợi của họ vào lúc kinh tế phát triển.

Lần đầu tiên kể từ 5 năm qua, Chính phủ Thái Lan quyết định tăng lương tối thiểu cho người lao động kể từ tháng 4.2018. Cụ thể, mức tăng này sẽ từ 308 baht (khoảng 220.000 đồng) lên 330 baht (tương đương 236.000 đồng/ngày). Đây là nỗ lực giải quyết bất bình đẳng về thu nhập, một trong những thách thức của nền kinh tế lớn thứ hai khu vực ASEAN. Thư ký thường trực của Bộ Lao động Thái Lan, ông Jarin Chakkaphark nói việc tăng lương phù hợp với điều kiện kinh tế, chi phí sinh hoạt của mỗi tỉnh. Ngoài ra, theo tờ The Nation (Thái Lan), Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng thông một khoản ngân sách bổ sung trị giá 150 tỷ baht (107.400 tỷ đồng), một phần để tài trợ cho các sáng kiến giảm nghèo.

Tương tự, Chính phủ Myanmar thông qua kế hoạch tăng lương tối thiểu trong năm nay cho công nhân từ mức 3.600 kyat (gần 60.000 đồng)/ngày kể từ năm 2015 lên mức 4.800 kyat/ngày. Như vậy, với giờ 8 giờ làm việc mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, công nhân sẽ được hưởng được mức lương tối thiểu vẫn chưa tới 100USD/tháng. Đây là mức quá thấp so với thu nhập bình quân (GDP/người) của Myanmar là 1.221USD. Thế nhưng, việc tăng lương tối thiểu khiến Chính phủ Myanmar đau đầu vì lo ngại các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi Myanmar để tìm thị trường lao động giá rẻ và tay nghề cao hơn. Hiện lĩnh vực may mặc tại Myanmar tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm và chiếm 10% GDP của quốc gia này.

Từ năm 2018, Campuchia tăng lương tháng tối thiểu cho công nhân trong ngành may mặc từ 153USD lên 160USD/tháng. Dệt may và giày dép là ngành công nghiệp mũi nhọn của Campuchia, tạo ra 6 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế và 600.000 việc làm. Đồng thời Chính phủ Campuchia sẽ tiếp tục trì hoãn việc đánh thuế lợi nhuận trong ngành dệt may và loại bỏ phí quản lý sản xuất. Theo ông Pav Sina - Chủ tịch Nghiệp đoàn tập thể của phong trào công nhân, việc tăng lương sẽ không làm cho Campuchia ít cạnh tranh hơn. Còn Công đoàn thương mại Malaysia, đại diện nhân công ở các ngành công nghiệp chủ đạo cũng vận động hành lang để các doanh nghiệp trả lương tối thiểu cho người lao động mỗi tháng tăng 50%, đạt 1.000 ringgit Malaysia (232 USD) trong năm nay. Malaysia hiện có GDP mỗi đầu người đạt khoảng 10.000USD, mức thu nhập cao thứ ba tại khu vực ASEAN, sau Singapore và Brunei.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nước ASEAN tăng lương cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO