Lo ngại rủi ro, nhiều quốc gia tại châu Á quyết định siết chặt hay ban hành lệnh cấm tiền ảo trong giao dịch và thanh toán, nhất là Bitcoin.
Nhiều nước châu Á siết chặt tiền ảo vì lo ngại rủi ro. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Indonesia đang mở cuộc điều tra việc sử dụng tiền ảo Bitcoin sau khi phát hiện một số giao dịch bằng tiền ảo này tại hòn đảo du lịch Bali xinh đẹp nổi tiếng. Việc sử dụng Bitcoin cũng như tất cả loại tiền ảo khác tại Bali là bất hợp pháp sau lệnh cấm được ban hành vào tháng 12 năm ngoái. Đồng thời Ngân hàng Trung ương Indonesia cảnh báo tất cả công dân, pháp nhân Indonesia ngưng giao dịch tiền ảo hay tiền kỹ thuật số vì rủi ro thua lỗ, ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp, thậm chí là mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Indonesia cũng cấm công ty công nghệ tài chính sử dụng tiền thuật toán để giao dịch kể từ tháng 1.2018 và cho biết trong thời gian tới sẽ chính thức ban hành luật cấm sử dụng tiền ảo, quy định rõ ràng tất cả giao dịch tại Indonesia phải dùng đồng rupiah.
Hàn Quốc, thị trường chiếm khoảng 3% trong tổng lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu cũng quyết định mạnh tay xử lý tiền ảo. Theo đài KBS (Hàn Quốc), hiện nay Hàn Quốc chỉ cho phép mở tài khoản giao dịch tiền ảo dưới tên thật. Tuy nhiên, Trưởng phòng Điều phối chính sách kinh tế thuộc Văn phòng điều phối Nhà nước Hàn Quốc, ông Jung Ki-joon vừa công bố lập trường của chính phủ về vấn đề tiền ảo. Trong đó, hướng dẫn người sử dụng đăng ký tài khoản dưới tên thật và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quy định đó. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với hoạt động bất hợp pháp khác như thao túng tiền tệ, rửa tiền và trốn thuế dưới hình thức giao dịch tiền ảo. Việc đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo dự kiến sẽ được quyết định thông qua thảo luận và thu thập ý kiến từ trung ương đến địa phương. Theo Reuters, quan điểm cứng rắn của Chính phủ Hàn Quốc khiến nhiều nhà đầu tư giao dịch tại thị trường Hàn Quốc nắm giữ một lượng lớn Bitcoin và các loại tiền ảo khác đang cố gắng bán ra trước khi lệnh cấm đóng cửa sàn giao dịch tiền ảo có thể được chính thức được thông qua trong vài ngày tới.
Trong năm 2017, Trung Quốc từng có thời điểm giao dịch tiền ảo sôi động nhất, chiếm 90% khối lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu, cũng đã ban hành lệnh cấm giao dịch loại hình này. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thương mại tại nước này dừng tất cả dịch vụ có liên quan đến tiền ảo. Được biết, Trung Quốc sẽ tiến tới cấm các hoạt động giao dịch tiền ảo còn lại.
Bitcoin là đồng tiền ảo đầu tiên trên thế giới và là đồng tiền ảo phát triển “nóng” nhất, có giá trị vốn hóa lớn nhất. Giá của đồng tiền ảo Bitcoin từng đạt mức kỷ lục, tiến sát mốc 14.000USD/Bitcoin vào cuối năm 2017. Nhưng giờ đây, các động thái quản lý, siết chặt và cấm các hoạt động giao dịch tiền ảo của nhiều quốc gia châu Á đã ảnh hưởng đến thị trường trong và ngoài khu vực. Các đợt bán tháo tiền ảo của các nhà đầu tư khiến Bitcoin và các đồng tiền số khác đồng loạt lao dốc. Từ ngày 7 đến 17.1.2018, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền số bốc hơi 370 tỷ USD, tương đương mức sụt giảm hơn 40%.
QUỐC HƯNG