Nhiều nước Đông Nam Á đón tết cổ truyền

KIM OANH 14/04/2014 12:52

Nhiều nước khu vực Đông Nam Á đang rộn ràng đón tết cổ truyền với nhiều phong tục đa sắc màu với ước nguyện năm mới mang theo nhiều hạnh phúc, may mắn và an lành.

Được tổ chức từ ngày 13 - 15.4 hằng năm, nhiều lễ hội đặc sắc của tết Thái Lan (hay Songkran) từ các cuộc diễu hành nghệ thuật trong trang phục truyền thống, thi sắc đẹp, giới thiệu các món ăn truyền thống… Nhưng nhộn nhịp nhất phải kể đến lễ hội té nước. Mọi người té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng... cầu mong những người càng được té nhiều nước càng may mắn. Lễ hội mang tính chất cộng đồng luôn là dịp lý tưởng để du khách tới chứng kiến và tham gia ngày hội. Tết Songkran cũng là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với đức Phật bằng các buổi lễ tắm Phật. Dẫu vậy, không ít người dân Thái năm nay lại đón năm mới trong tâm trạng đầy bất ổn bởi căng thẳng chính trị tại đất nước Chùa Vàng kéo dài từ nhiều tháng qua chưa có dấu hiệu kết thúc.

Lễ hội té nước diễn ra từng bừng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Lễ hội té nước diễn ra từng bừng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Cũng thời điểm này, người Lào đón năm mới Bunpimay (Lễ hội té nước) cầu mong nước về cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc. Các ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ, đường phố được trang trí đẹp mắt cùng nhiều hoạt động tưng bừng khác được tổ chức khắp nơi trên đất Lào. Người dân lên chùa để làm lễ cúng Phật, tắm Phật. Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, hay vào những người khác bởi tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống khỏe hơn. Trong ngày tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân bởi lạp được hiểu theo nghĩa là có lộc. Đặc điểm nổi bật ở tết Lào là khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe.

Trong khi đó, người Campuchia đang vui tết Chol Chnam Thmay. Bên cạnh các món ăn truyền thống cúng ông bà tổ tiên, mọi người ăn mặc đẹp nhất để đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia nhiều trò vui. Rất đông người đội cỗ lên chùa dâng lên cho sư, sãi ở chùa, làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư hay làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ. Tết Chol Chnam Thmay là sự kiện đánh dấu thời khắc kết thúc một mùa thu hoạch khi nông dân được hưởng những thành quả lao động và cùng nhau mở hội vui chơi, thư giãn. Đặc biệt là khi đêm về, trong ánh sáng lung linh huyền ảo, du khách ngất ngây với hương vị tết Campuchia nồng nàn, say đắm cùng ly rượu thốt nốt vang lừng và những vũ điệu tuyệt mỹ Apsara truyền thống.

Người dân Myanmar cũng đón xuân với nhiều nét tương đồng với tết Thái, Lào hay Campuchia. Cũng ấn tượng nhất là lễ hội té nước Thingyan diễn ra trong bốn ngày từ 13.4, người Myanmar thường làm nhiều việc thiện, dùng nước thơm lau rửa tượng Phật và té lên người nhau để cầu may mắn; các nhà sư đến chùa và thiền viện để cầu phúc cho nhân dân. Thanh niên bày tỏ lòng kính trọng với các thế hệ trước bằng cách biếu nước uống, gội đầu và cắt móng tay cho người lớn tuổi.

KIM OANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nước Đông Nam Á đón tết cổ truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO