Nhiều nước mạnh tay với tin giả mạo

QUỐC HƯNG 11/01/2017 10:03

Tình trạng tin giả mạo lan truyền trên internet hay mạng xã hội là câu chuyện không chỉ riêng của một quốc gia nào.

Vào tháng 11 năm ngoái, thông tin giả mạo về việc các nhà lãnh đạo của nhóm Hồi giáo cực đoan mang tên Mặt trận bảo vệ Hồi giáo đã phải nhập viện, do quân đội Indonesia gây ra lan truyền mạnh trong khi người dân Indonesia rất chuộng truyền thông xã hội. Sự việc diễn ra nghiêm trọng mặc dù các cơ quan chức trách Indonesia trước đó đã ngăn chặn nhiều trang web đưa tin giả. Thực tế cũng cho thấy, việc thành lập những trang web mới tại nhiều quốc gia là rất dễ dàng và không quá tốn kém. Mới đây, một tin tức giả mạo khác được phát nhanh trên mạng xã hội cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh sinh học tại Indonesia bằng cách tung ra những loại hạt giống ớt nhiễm độc. Rồi tin các lao động nhập cư từ Trung Quốc sẽ thay thế chỗ hàng nghìn lao động Indonesia.

Tin giả mạo hiện xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Publica.MD
Tin giả mạo hiện xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Publica.MD

Trước cơn bão tin giả mạo, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia - ông Johan Budi cho biết, Indonesia sẽ thành lập một cơ quan chuyên xử lý tin giả mạo lan tràn trên mạng xã hội như kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo. Ngoài ra, cơ quan này sẽ bảo vệ các tổ chức của Nhà nước khỏi nguy cơ bị tấn công mạng. Bộ trưởng An ninh Indonesia, ông Wiranto cho biết: “Tự do ngôn luận là một quyền trong nền dân chủ, nhưng cũng còn có bổn phận phải tuân thủ luật pháp nữa”.

Đức cũng là một trong những quốc gia đối mặt với vấn nạn tin giả mạo truyền đi chóng mặt, gây ảnh hưởng đến đời sống, chính trị, xã hội tại đây. Chính phủ Đức rất mạnh tay trong việc xử lý một số trường hợp liên quan. Tháng 6.2015, một cặp vợ chồng người Đức bị cảnh sát nước này bắt giữ vì lập trang web đăng tin giả mạo gây ảnh hưởng xấu đến chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng: “Chiến tranh và dòng người tị nạn kinh tế đổ vào đất nước Đức. Họ mang đến nỗi sợ hãi, khủng bố, hãm hại phụ nữ và trẻ em Đức đang gặp nguy hiểm. Hãy chấm dứt điều đó”. Người chồng sau đó bị kết án 9 năm tù trong khi người vợ bị phạt 1.200 euro. Mới đây, chính phủ Đức thông báo sẽ thảo luận chi tiết về xử phạt nặng tin giả mạo. Theo đó, các trang mạng xã hội, trong đó có Facebook sẽ bị phạt đến 500.000 euro mỗi tin giả mạo nếu các nhà mạng xã hội không xóa tin đó trong vòng 24 tiếng kể từ khi đăng. Những người liên quan khác sẽ bị phạt số tiền tương đương và tiền phạt này sẽ được bồi thường cho những người bị ảnh hưởng. Bà Angela Merkel cảnh báo về vấn nạn tin tức giả mạo và các hệ thống phát tán tin tự động có thể sẽ tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử quốc gia của Đức vài tháng tới đây.

Liên quan đến thông tin giả mạo, mặc dù Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của Facebook bác bỏ ý kiến cho rằng mạng xã hội này đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đem lại chiến thắng cho ông Donald Trump, Mark Zuckerberg cho biết sẽ nỗ lực với các biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn các tin tức giả mạo được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, ông chủ Facebook đồng thời muốn mạnh tay loại bỏ các video vi phạm bản quyền. Dẫu vậy, Mark Zuckerberg khẳng định Facebook là một công ty công nghệ, không phải là một công ty truyền thông.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều nước mạnh tay với tin giả mạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO