(QNO) - Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra cơn địa chấn sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà còn gây thiệt hại kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, dù Covid-19 khiến hàng triệu lao động mất việc và thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp trên thế giới vẫn “đỏ mắt” tìm lao động.
Những thay đổi diễn ra trên thị trường lao động ngày càng rõ rệt. Nhiều người tự nguyện từ bỏ công việc ngay trong lúc nhu cầu về người lao động tăng lên khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Cạnh đó, người lao động già đi và nghỉ hưu, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát biên giới và giới hạn nhập cư. Người lao động yêu cầu được trả lương tốt hơn và thời gian làm việc linh hoạt hơn cũng gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều nơi.
Ông Koh Jin Taek (53 tuổi) - nông dân ở thành phố Anseong (Hàn Quốc) từng tự hào vì sở hữu 44 nhà kính, cung cấp gần 10 tấn rau các loại mỗi tháng cho các công ty thực phẩm với doanh thu hằng năm 800 triệu won (680.000 USD).
Cho đến khi Covid-19 tấn công Hàn Quốc vào năm ngoái, ông Koh không chắc mình có thể duy trì được trang trại trong bao lâu bởi thiếu hụt lao động. Ông Koh từng thuê 9 công nhân nhưng nay chỉ còn 5 người; 4 lao động còn lại đột ngột nghỉ việc để nhận công việc được trả lương cao hơn ở nơi khác.
Covid-19 bùng phát, Hàn Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới. Số lao động nhập cư vì thế giảm 82% xuống còn khoảng 1.600 lao động trong 8 tháng đầu năm nay, khiến chi phí thuê nhân công tăng.
Tại Mỹ, Bộ Lao động nước này cho biết, các lĩnh vực đang khan hiếm lao động gồm sản xuất, bán lẻ, thương mại, vận tải và tiện ích. Hơn 4,3 triệu người đã bỏ việc trong tháng 8 - con số cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua tại Mỹ.
Nhiều lao động tiếp tục ở nhà, tìm việc khác phù hợp, thậm chí là quyết định nghỉ hưu sớm trong khi hàng chục nghìn người đang đứng trước nguy cơ bị mất việc vì không tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Theo tờ Wall Street Journal, tình trạng thiếu lao động tại Mỹ có thể vì tâm lý lo ngại dịch lây nhiễm bệnh khi quay lại công xưởng, các cơ sở chăm sóc trẻ thiếu nhân viên nên phụ huynh chọn ở nhà trông con, nhiều lao động nhận trợ cấp hào phóng từ chính phủ, tìm kiếm việc lương cao hơn, biên giới bị đóng cửa…
Tình hình của Vương quốc Anh cũng trở nên trầm trọng hơn do Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) với nhiều lao động nước ngoài mà quốc gia này phụ thuộc đã trở về nhà trong thời kỳ đại dịch.
Điều đó buộc Chính phủ Anh đưa ra thị thực tạm thời cho những lĩnh vực thiếu hụt lao động nghiêm trọng như lái xe tải, công nhân chăn nuôi gia cầm cũng như thông báo về việc tăng lương để thu hút người lao động. Trong khi đó, có nhiều lo ngại về chi phí hàng hóa, dịch vụ và thực phẩm tăng mạnh trước Giáng sinh và năm mới.