(QNO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, bao gồm: Điều 4; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14; Điều 15; Khoản 2 Điều 16; Điều 17 và Điều 19. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11.3.2018, thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30.6.2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa.
Tập huấn chính sách thuế cho DN nhỏ và vừa. Ảnh: VĂN DŨNG |
Tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa
Điều 6 của Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định DN nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, tiêu chí xác định như sau:
DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. DN siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định. DN nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định.
DN vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN nhỏ, DN siêu nhỏ theo quy định. DN vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ, DN nhỏ theo quy định.
Nghị định này cũng quy định, lĩnh vực hoạt động của DN nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, DN nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, DN nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.
Nhiều quy định mới hỗ trợ DN nhỏ và vừa
Cũng theo nghị đinh này, DN nhỏ và vừa được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị DN; học viên của DN nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, DN nhỏ và vừa do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo. DN nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện: đã làm việc trong DN nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục; không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ.
Đối với DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại DN nhưng không quá một lần một năm; khóa đào tạo trực tiếp tại DN có tối thiểu 10 học viên.
Nghị định còn quy định rõ: DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài 3 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; khi chuyển lên DN nếu tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh ngành, nghề có điều kiện mà không thay đổi quy mô thì chỉ cần có đơn gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để cấp lại giấy phép, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy phép cho DN.
Trường hợp DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ngành, nghề có điều kiện có sự thay đổi về quy mô thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn miễn phí về quy trình, thủ tục việc cấp phép lần đầu.
VĂN DŨNG