Nhiều tàu vỏ thép nằm bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 22/08/2017 08:57

Nhiều tàu vỏ thép của ngư dân sản xuất nghề lưới rê hỗn hợp trên địa bàn tỉnh phải nằm bờ trong thời gian gần đây vì làm ăn thua lỗ.

Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Đình Châu phường Cẩm Nam, TP. Hội An đang nằm bờ.Ảnh: QUANG VIỆT
Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Đình Châu phường Cẩm Nam, TP. Hội An đang nằm bờ.Ảnh: QUANG VIỆT

Thất bát

Từ đầu năm 2016 đến nay, ngư dân Đỗ Văn Thành (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ thép QNa-93554 tổ chức được 5 chuyến bám biển tại ngư trường Hoàng Sa nhưng chưa chuyến biển nào có thu vượt chi. Đáng nói hơn, 3 chuyến biển gần đây của tàu vỏ thép này đều thua lỗ. Sản xuất thất bát đã khiến cho con tàu vỏ thép có công suất 811CV này phải nằm bờ hơn 2 tháng nay. “Cứ mỗi chuyến biển trong vòng 15 ngày, tôi phải trả cho “bạn” 7 triệu đồng dù đạt hay thua lỗ. Tính tổng cộng tiền chi ra để mua nhu yếu phẩm cho các chuyến biển và tiền công cho lao động đã khiến tôi nợ nần hơn 120 triệu đồng. Càng sản xuất càng thua lỗ nên tôi không dám cho tàu vươn khơi” - anh Thành nói.

Ở TP.Hội An, anh Nguyễn Đình Châu (khối phố Châu Trung, phường Cẩm Nam) là ngư dân duy nhất sở hữu tàu vỏ thép đến thời điểm này. Giống tình cảnh của anh Thành, tàu vỏ thép QNa-93089 của anh Châu cũng bám biển được 5 chuyến từ đầu năm đến nay nhưng có 4 chuyến thua lỗ, nên đã nằm bờ mấy tháng nay. Điểm giống nữa của 2 ngư dân này là đều sản xuất nghề lưới rê hỗn hợp. “Theo nghề lưới rê hỗn hợp, tàu cá của tôi chuyên bám biển Hoàng Sa. Thời gian qua, tàu Trung Quốc hung hãn xua đuổi mãi, sản xuất rất khó khăn. Với vàng lưới dài gần 20km, kéo lên tàu rất mất thời gian nên tôi bị tàu Trung Quốc cắt đứt lưới, tổn thất hơn 400 triệu đồng. Mắt lưới của nghề này rộng đến gần 20cm, chỉ cá quá to mới dính lưới nên hiệu quả sản xuất thấp” - anh Châu nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ composite theo nghề lưới rê hỗn hợp. Nghề này được chuyển giao trong thời gian qua ở huyện Duy Xuyên và TP.Hội An sau khi đề tài khoa học “Nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao nghề lưới rê hỗn hợp khai thác vùng biển khơi tại Quảng Nam” do Trường Đại học Nha Trang chủ trì, được Sở KH&CN nghiệm thu vào tháng 3.2016. Trước khi nghiệm thu, đề tài này được triển khai thử nghiệm trong vòng 2 năm với mức kinh phí 1,5 tỷ đồng ở tàu cá của ngư dân Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành). Ngành chức năng đã đánh giá rất cao nghề này vì đối tượng khai thác chính là cá thu có giá trị cao. Sau khi chuyển giao, ngư dân tiếp nhận nghề này, đầu tư vàng lưới dài 18km, mắt lưới rộng 16,5cm và sản xuất không hiệu quả. Đến nay chủ của 9 chiếc tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp đều đề xuất chuyển nghề vì sản xuất thua lỗ.

Khó đổi nghề

Ngày 25.8 sẽ xét xử vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên
Phó Chánh án TAND TP.Tam Kỳ Đinh Tấn Long cho biết, lúc 14 giờ ngày 25.8, sẽ xét xử trở lại vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94679 đối với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (TP.Đà Nẵng) và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Hà Nội) để đòi bồi thường chi phí máy thủy lắp đặt trên tàu cá bị hỏng ngay khi chạy thử nghiệm. Ông Đinh Tấn Long cho biết, trong thời gian qua, TAND TP.Tam Kỳ đã gửi số sê ri trên máy thủy tàu cá của ông Liên sang trụ sở của Công ty Mitsubishi tại Nhật Bản và đã nhận được câu trả lời là máy này do chính hãng Mitsubishi sản xuất.

Ở thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, Duy Xuyên), ngư dân Phạm Hiên - chủ tàu vỏ thép QNa-93789 cũng sản xuất nghề lưới rê hỗn hợp nhưng không hiệu quả. Tận dụng vàng lưới Bạc Liêu cũ còn lại từ thời bám biển với tàu vỏ gỗ trước đây, anh Hiên đã tạm trở lại nghề này từ 2 tháng qua. Anh cho biết, các chuyến biển đều đạt vì mắt lưới nhỏ, thu được nhiều loài cá. Ở cùng địa phương với anh Hiên, anh Đỗ Văn Thành muốn bán vàng lưới rê hỗn hợp để đầu tư, sản xuất trở lại với nghề lưới Bạc Liêu nhưng gặp nhiều khó khăn. “Vàng lưới rê hỗn hợp có giá trị hơn 3 tỷ đồng mà nghề này sản xuất thất bại nên có bán cũng khó có ai mua. Chừ muốn đầu tư vàng lưới Bạc Liêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng. Đến hạn, mình không đủ tiền trả nợ ngân hàng thì làm sao có thể vay thêm tiền tỷ để đầu tư vàng lưới mới. Vậy nên, cứ mỏi mòn chờ đợi...” - anh Thành nói.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 32 tàu vỏ thép vươn khơi, trong đó có 18 tàu theo nghề chụp mực đều thu được kết quả khả quan. Ngư dân Nguyễn Đình Châu đang muốn bỏ nghề lưới rê hỗn hợp để chuyển sang nghề này. “Để đầu tư được 4 tăng gông chụp mực bằng sắt chắc chắn và nhiều thiết bị khác phụ trợ thì cần 3,5 tỷ đồng. Tôi có thể vay mượn của người thân được 1,5 tỷ đồng, 2 tỷ đồng còn lại rất khó xoay xở vì ngân hàng đã cho vay hàng chục tỷ đồng rồi, khó cho vay thêm nữa” - anh Châu nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, ngành thủy sản cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động của nghề lưới rê hỗn hợp. Theo đó, đối chiếu nghề này với nhiều tỉnh, thành cùng sử dụng nghề, so sánh đâu là khác biệt, chênh lệch để khắc phục các hạn chế tồn tại trong thời gian qua. Vì nghề lưới rê hỗn hợp chỉ có mùa vụ từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau nên UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT giúp đỡ các chủ tàu theo nghề này sản xuất kiêm nghề. Muốn vậy, phải phối hợp với các địa phương ven biển, các chủ tàu, các ngân hàng thương mại để làm lại thiết kế cho nghề mới, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt rồi kiện toàn lại tàu cá, đầu tư thêm để sản xuất kiêm nghề. Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ nguồn vốn cho ngư dân vay để đầu tư kiêm nghề thuộc quyền tự quyết của các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh lại không chắc chắn việc cho ngư dân vay vốn để đầu tư sản xuất kiêm nghề hoặc chuyển nghề trên tàu vỏ thép...

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều tàu vỏ thép nằm bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO