Nhiều thách thức cho đô thị

TRẦN HỮU 13/10/2020 04:57

Sự dẫn dắt của không gian quy hoạch làm cho quá trình đô thị hóa một số nơi diễn ra nhanh. Thế nhưng, “phát triển nóng” trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế đã đặt ra nhiều thách thức cho đô thị trong việc kiểm soát ô nhiễm, cũng như chống chọi với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thiếu đồ án quy hoạch xử lý nước thải

Các đô thị lớn nằm ven sông, ven biển chịu ảnh hưởng của thiên tai sạt lở, ngập lụt. Các đô thị động lực phía bắc (gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc); khu vực phía nam (Tam Kỳ, Núi Thành); vùng giữa (Duy Xuyên, Thăng Bình) đều tập trung ở khu vực ven biển, hạ lưu các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, sông Tam Kỳ.

Cần quản lý môi trường trong quy hoạch đô thị

Theo KTS.Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Quảng Nam cần lồng ghép quản lý môi trường và ứng phó BĐKH trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trên phạm vi toàn tỉnh nhằm phát triển theo hướng bền vững; xem xét việc quy hoạch phát triển các khu du lịch ven biển, các đô thị bám sát ven sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Bàn Thạch, Tam Kỳ. Để giãn mật độ xây dựng dày đặc tại vùng ven biển, cần mở rộng và xây dựng mới các đô thị vừa và nhỏ tại vùng trung du, miền núi.

KTS.Ngô Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng băn khoăn, các địa phương và ngành xây dựng vẫn còn loay hoay với giải pháp tránh tác động xấu khi phát triển ở lưu vực sông và tìm phương án giảm tải áp lực cho các đô thị. Tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm nước thải, rác thải và nguồn nước cấp cho đô thị ngày một khan hiếm luôn là rào cản.

Tại các đô thị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Nam Phước, Hà Lam và Núi Thành, do đầu tư chưa đồng bộ hạng mục thoát nước mưa nên thường ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Hệ thống thoát nước của các đô thị trong tỉnh hiện nay hầu hết sử dụng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước bẩn). Tam Kỳ đầu tư công trình thoát nước thải sinh hoạt với công suất 8.000m3/ngày đêm; Hội An có 2 trạm xử lý công suất 8.750m3/ngày đêm. Còn khu vực ngoại thị và nông thôn chưa có hệ thống thoát nước, nên nước thải xả thẳng ra ao hồ, sông suối, môi trường bên ngoài.

Hầu hết đô thị lớn đều không có bãi chứa và xử lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn; do vậy, chỉ cần xảy ra sự cố môi trường ở các bãi rác như thời gian qua (bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa, Đại Hiệp) thì lượng rác thải sinh hoạt cả khu vực đô thị lẫn nông thôn ùn ứ, gây ô nhiễm nặng.

Theo thống kê, mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh 1.120 tấn chất thải rắn, nhưng năng lực thu gom, xử lý chỉ đáp ứng khoảng hơn 600 tấn/ngày. Mặc dù đã hình thành được vệt đô thị ven biển Điện Bàn - Hội An nhưng bất cập ở chỗ hiện chưa có công trình xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành; chỉ duy nhất khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc có 1 trạm xử lý nước thải phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất quy mô công nghệ với công suất 5.000m3/ngày đêm.

Tại vùng đông Duy Xuyên - Thăng Bình, đã xây dựng 3 công trình xử lý nước thải với công suất thiết kế hơn 3.000m3/ngày đêm. Trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đầu tư 2 trạm với công suất 2.664m3/ngày đêm, xử lý toàn bộ nước thải trong phạm vi của dự án.

Giám đốc Sở Xây dựng - ông Nguyễn Phú thông tin, quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải chưa được phê duyệt ở một đồ án quy hoạch riêng mà là một nội dung trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của đồ án quy hoạch xây dựng. Các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải đang triển khai và không phổ biến ở các đô thị.

Xây dựng “đô thị khỏe”

Phố cổ Hội An nhiều năm nay là “đô thị ngập” vào mùa mưa lũ, giờ còn đối mặt với áp lực gia tăng rác thải, nước thải từ các hoạt động dân sinh và du lịch. Sông Hoài (Hội An) tương lai sẽ là túi đựng các chất thải thông thường. GS-TS-KTS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hội An hàng năm đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro, nhưng địa phương này chưa xây dựng được kế hoạch ứng phó với BĐKH cho toàn thành phố.

Đô thị sinh thái Casamia ở xã Cẩm Thanh (Hội An).Ảnh: T.H
Đô thị sinh thái Casamia ở xã Cẩm Thanh (Hội An).Ảnh: T.H

Đề cập hạn chế trong khả năng chống đỡ với BĐKH của đô thị Hội An, GS. Đỗ Hậu cho rằng, năng lực tài chính hạn chế dẫn đến đầu tư liên quan BĐKH thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thành phố chưa có cơ chế giám sát đánh giá về hiệu quả của các hoạt động chống chịu với BĐKH. BĐKH mang tính toàn vùng đòi hỏi sự phối hợp của các địa phương lân cận như bảo vệ rừng phòng hộ, hay phòng cháy chữa cháy rừng. Trong khi đó, tỷ lệ nhà ở của người dân sinh sống ở vùng rủi ro cao do BĐKH và các cú sốc phải di dời cao cũng hạn chế khả năng chống chịu với BĐKH của thành phố.

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguy cơ tiềm ẩn cho các đô thị ven biển Quảng Nam, đó là việc quy hoạch chia lô dự án làm hạn chế các không gian giao lưu cộng đồng, xây dựng đường giao thông sát ven biển có nguy cơ ngập lụt cao, phá vỡ “bức tường xanh” rừng phòng hộ. Vì vậy, cần quy hoạch diện tích đai rừng phòng hộ để nâng sức chống chịu, xây dựng “đô thị khỏe” trước sự tàn phá của thiên tai cũng như áp lực của các hoạt động phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, an toàn, an ninh nguồn nước cần được giải quyết với các đô thị hiện nay. Các địa phương cần lập kế hoạch sử dụng nước cho khu vực đô thị, trước mắt nâng cấp các nhà máy nước Hội An, Điện Bàn, Ái Nghĩa, Trảng Nhật, Cù Bàn, Đông Phú, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tam Hiệp. Bên cạnh mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho đô thị bằng sự cạnh tranh lành mạnh, về lâu dài, phải quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải.

Đề xuất giải pháp chống ngập úng cục bộ, PGS-TS.Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch thoát nước dựa trên cơ sở quản lý toàn diện lưu vực sông, suối, kênh và hồ nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài về môi trường nước. Các sông, kênh, hồ đi qua các đô thị cần được kè 2 bên bờ để hạn chế xói lở về mùa mưa lũ, tạo cảnh quan cho đô thị và dễ dàng cho quản lý. Lưu ý các đô thị mới phải đầu tư hệ thống cống riêng, phân vùng xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa. Vùng 1 gồm các nhà máy xử lý nước thải Hội An, đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đô thị Vĩnh Điện và Ái Nghĩa. Vùng 2 gồm đô thị Nam Phước, Duy Nghĩa, Đông Phú, Hà Lam. Vùng 3 là các nhà máy xử lý nước thải Tam Kỳ, Núi Thành.

Sở Xây dựng cho biết, vùng đông nam được xác định là khu vực động lực cho phát triển của cả tỉnh, nên chắc chắn quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh tại chiều dài ven bờ biển. Vì vậy, chọn mô hình phát triển “Làng đô thị” là tối ưu. Trong quá trình quy hoạch xây dựng một số khu vực nông thôn ở vùng đông, có thể xem xét áp dụng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của đô thị nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng được đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới để phát triển đô thị tương lai.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều thách thức cho đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO