Nhiều tồn tại trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường

TÂY BÌNH (tổng hợp) 28/06/2018 14:38

Nhiều tồn tại trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân được cử tri một số địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Dòng sông Bồng Miêu bị ô nhiễm nặng. Ảnh: T.T
Dòng sông Bồng Miêu bị ô nhiễm nặng. Ảnh: T.T

Nóng chuyện khai khoáng

Theo cử tri huyện Phú Ninh, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Công ty CP 6666 tại xã Tam Lãnh tạm dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường từ tháng 11.2016 nhưng đến nay vẫn không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị tỉnh kiểm tra và có biện pháp mạnh hơn đối với công ty này.

Qua sự việc vỡ hồ chứa nước thải của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 dẫn đến sự việc người dân phản ánh hiện  tượng cá chết trên sông Bồng Miêu (thuộc thôn Trà Sung, xã Tam Lãnh, Phú Ninh), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và địa phương kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Tam Lãnh (tại Công văn số 1329/UBND-KTN ngày 23.3.2018). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và của UBND tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước thải.

Giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp cới Công an tỉnh, UBND huyện Phú Ninh, UBND xã Tam lãnh theo dõi Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố vỡ hồ chứa nước thải và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trước ngày 30.6.2018 để theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của công ty trong thời gian đến, kịp thời phát hiện, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của công ty theo đúng quy định của pháp luật.

Tương tự, cử tri huyện Tiên Phước cũng phản ánh về thực trạng dòng sông Tiên và một số con sông khác trên địa bàn huyện hiện nay bị ô nhiễm nghiêm trọng do khai thác vàng trái phép ở khu vực giáp ranh giữa huyện Tiên phước và Phú Ninh gây ra. Đề nghị tỉnh có biện pháp quyết liệt chấm dứt tình trạng này, bởi cử tri kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết hiệu quả.

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phú Ninh và Tiên Phước phối hợp Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh. Hiện nay, UBND huyện Tiên Phước và Phú Ninh đang phối hợp triển khai thực hiện. Ngoài ra, đối với tình hình mỏ vàng Bồng Miêu hiện nay, Bộ TN-MT đang tiến hành lập thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để bàn giao địa phương quản lý. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Phú Ninh, Tiên phước phối hợp Công an tỉnh khẩn trương kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực nêu trên và xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở TN-MT để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trước ngày 30.6.2018.

Phải đúng luật

Cử tri huyện Phú Ninh đề nghị tỉnh tiếp tục ủy quyền cho huyện xem xét cho phép cấp xã sử dụng khai thác đất đồi với khối lượng dưới 10.000m3 ở địa phương để làm nguyên liệu phục vụ thi công đường giao thông trên địa bàn xã, thuận lợi cho tiến trình nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, việc UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện việc cho phép khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường và có một số điểm chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, đất san lấp, xây dựng công trình chỉ chiếm một phần phía trên của đồi, núi, phần còn lại phía bên dưới là đá và thường có trữ lượng lớn. Do đó, nếu không thực hiện thăm dò hoặc đánh giá địa chất, trữ lượng khoáng sản, thiết kế khai thác không hợp lý, cho phép khai thác nhỏ lẻ theo từng đợt khi có công trình thì rất khó khai thác hết trữ lượng mỏ. Qua đó dễ dàng để lại địa hình nham nhở, lãng phí tài nguyên, khó cải tạo, phục hồi môi trường và việc tiếp tục sản xuất sau này của nhân dân sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, có thể thất thoát các loại khoáng sản có giá trị cao hơn đất san lấp, xây dựng công trình như cao lanh, đất sét… Mặt khác, do phân bổ ở khu vực đồi, núi nên có thể đã được quy hoạch, bố trí cho công tác quốc phòng, nếu công tác kiểm tra không đảm bảo thì việc cho phép khai thác có thể gây ảnh hưởng đến công tác quốc phòng.

Hầu hết khu vực có khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình thuộc diện tích đất do người dân đang sử dụng nên cần phải thực hiện các hồ sơ, thủ tục về đất đai theo quy định pháp luật về đất đai. Hoạt động khai thác đất san lấp, xây dựng công trình có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, cuộc sống của người dân trong vùng khai thác, vận chuyển. Vì vậy cần phải thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu cho phép khai thác không thông qua đấu giá sẽ thất thoát ngân sách đáng kể.

Do đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 912/UBND-KTN ngày 2.3.2017 chấm dứt việc ủy quyền nêu trên. Yêu cầu UBND huyện Phú Ninh nói riêng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện theo đúng chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản nêu trên.

 TÂY BÌNH (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều tồn tại trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO