Đề án tuyển sinh các trường đại học (ĐH) ở Quảng Nam và Đà Nẵng vừa công bố cho thấy năm nay rất đa dạng, linh hoạt phương thức; cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi, cấp học bổng nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi đối với sinh viên được áp dụng.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Năm nay Trường ĐH Quảng Nam tuyển 1.340 chỉ tiêu hệ chính quy bằng phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và theo kết quả học bạ lớp 12. Riêng môn năng khiếu ngành ĐH giáo dục mầm non, nhà trường tổ chức thi.
Ngày 31.5, ĐH Đà Nẵng công bố đề án tuyển sinh năm 2020 với hơn 14 nghìn chỉ tiêu thuộc 137 ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy. ĐH Đà Nẵng xét tuyển theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và đề án tuyển sinh riêng của các trường theo hướng mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp với ĐH Đà Nẵng tổ chức (đây cũng là lần đầu tiên 2 đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực); xét tuyển dựa trên học bạ THPT.
Đề án tuyển sinh của ĐH Đà Nẵng cơ bản giữ ổn định như năm 2019, tuy nhiên có một số điểm mới, tạo thuận lợi cho thí sinh. Các trường đại học thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc ĐH Đà Nẵng chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh để phù hợp hơn với tình hình thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trường ĐH Duy Tân phân bổ 5.700 chỉ tiêu tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào điểm kết quả học tập THPT (40% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển thẳng trong chỉ tiêu chung của từng ngành.
Trường ĐH Phan Châu Trinh áp dụng 6 phương thức xét tuyển đối với 500 chỉ tiêu tuyển sinh. Đó là xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, học bạ THPT, theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng và xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT các trường quốc tế/thí sinh người nước ngoài.
Ưu tiên, hỗ trợ thí sinh
Bên cạnh thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, xét tuyển thẳng, ưu tiên khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH áp dụng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, hỗ trợ học tập hoặc mở ngành mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn.
ĐH Đà Nẵng áp dụng nhiều hình thức, chính sách học bổng, ưu đãi hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các tân sinh viên năm 2020. Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết, trước đó, đơn vị cũng hỗ trợ thiết thực gói tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để đồng hành hỗ trợ sinh viên giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên đến 20 tỷ đồng. Năm 2020, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng mở ngành mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn.
Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng mở 3 ngành, chuyên ngành mới: kỹ thuật máy tính; khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành công nghệ thông tin); chuyên ngành cơ khí hàng không (thuộc ngành kỹ thuật cơ khí). Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng mở ngành mới là khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh. Đây là những ngành được cho là phù hợp với nhu cầu xã hội hiện tại và trong tương lai.
Trường ĐH Quảng Nam có chính sách học bổng khuyến khích học tập 1 tỷ đồng/năm; các tổ chức, cá nhân tài trợ khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài miễn 100% học phí hoặc giảm 50 - 70% tùy đối tượng, SV đồng bào dân tộc thiểu số và hộ cận nghèo, hộ nghèo được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với mức 60% lương cơ bản (khoảng 894 nghìn - 1 triệu đồng/tháng).
Trường Đại học Quảng Nam còn có các chính sách dành cho sinh viên khuyết tật, miễn giảm lệ phí ký túc xá. Đoàn thanh niên và Hội sinh viên cũng có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ sinh viên.
Trường ĐH Duy Tân thực hiện chính sách học bổng toàn phần, bán phần và giảm học phí cho các thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học tập THPT tương ứng với từng loại học bổng. Trong khi đó, lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết, nhà trường quyết định giảm 20% học phí cho tất cả sinh viên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm và trúng tuyển vào Trường ĐH Phan Châu Trinh năm học 2020.
Thí sinh tham gia xét tuyển vào Trường ĐH Phan Châu Trinh theo các phương thức nêu trên đều có cơ hội nhận được các mức học bổng hỗ trợ tương ứng: miễn 30%, 50% hoặc 100% học phí. Bên cạnh đó, trường còn liên kết với Ngân hàng ACB để hỗ trợ vay vốn học tập cho sinh viên. Việc cho sinh viên sớm cọ xát thực tế như được thực tập tại bệnh viện ngay từ học kỳ đầu tiên và thời lượng thực hành lên tới 70% cũng là một trong những cách thu hút thí sinh và tạo điều kiện cho tân sinh viên của Trường ĐH Phan Châu Trinh.
Những điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2020
Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ ĐH, cao đẳng. Từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Năm 2020, các sở GD-ĐT/UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển như năm 2019. Từ năm 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp theo quy định của các trường. Tất cả các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh, các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh. Bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành. Trong trường hợp số thí sinh trúng tuyển (với 2 ngành Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng) không đủ điều kiện để tổ chức lớp học, nhà trường phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết (không trái quy định của pháp luật) hoặc báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Hội đồng tuyển sinh trường sẽ chỉ gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định.