Do ảnh hưởng bởi nhiều đợt nắng nóng, khô hạn trên diện rộng vừa qua, nhiều vườn cây trái ở Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Hiệp... (Tiên Phước) bị suy giảm năng suất nghiêm trọng.
Giảm năng suất
Năm nay, do khô hạn, nắng nóng kéo dài, các loại cây bản địa như măng cụt, lòn bon... Tiên Phước suy giảm năng suất và chất lượng. Nhìn vườn cây khô vừa kịp xanh trở lại bởi “cơn mưa vàng”, ông Tăng Ngọc Đức (thôn Mỹ Thượng Tây, xã Tiên Mỹ) nói: “Hạn kéo dài, cây lòn bon khô hết, vườn nhà tôi chết một số cây, tưới không lại. Tưới dưới gốc thì vẫn héo trên ngọn. May ra có mưa thì cây có thể ra hoa, kết quả trở lại, cho lòn bon trái vụ vào tháng 10, 11”. Vườn nhà ông Phạm Mưu (thôn Mỹ Thượng Tây) rộng hơn 3 sào đất trồng đủ loại cây, chủ lực là măng cụt, lòn bon từ 20 - 70 năm tuổi. Thu hoạch từ vườn cây năm nay thấp nhiều so với các năm.
“Cây măng cụt cha ông tôi để lại có tuổi 70 năm, vẫn trụ được, nhưng lượng trái chỉ còn một nửa so với năm ngoái. Năm được mùa, có cây cho 1,5 - 2 tạ trái lận, 10 gốc măng cụt cho tới gần 2 tấn trái. Năm ngoái tôi bán giá 80 - 150 nghìn đồng/kg, thu cũng khá lắm, nhưng năm ni thì chỉ được hơn 1 tấn trái, giá chỉ còn 40 - 50 nghìn đồng/kg” - ông Phạm Mưu chia sẻ. Vườn nhà ông Tăng Ngọc Chánh (trú cùng thôn) rộng chừng 5 sào, có chừng 100 gốc lòn bon, là cây chủ lực của vườn. Năm nay, lòn bon chính vụ đã mất trắng do bông trổ rụng, hư hại hết. Ông Tăng Ngọc Hào - Trưởng thôn Mỹ Thượng Tây cho biết, 2/3 số hộ trong thôn có vườn cây ăn quả. Hộ có thu nhập thấp từ kinh tế vườn mỗi năm cũng tầm 5 - 10 triệu, cao thì 40 - 50 triệu đồng, nhưng năm nay thì thất thu nghiêm trọng.
Thất thu do nắng hạn cũng là thực tế của người làm vườn ở các xã trên địa bàn Tiên Phước. Bà Đặng Thị Bích (thôn An Trung, xã Tiên Cảnh) nói: “Vườn nhà tôi có cây mà không có trái, cây chết héo nhiều lắm. Cây ảnh hưởng của mấy đợt bão lũ trước, gia đình không có người chăm sóc, lại thêm chịu ảnh hưởng của mấy đợt nắng, nhiều cây tiếp tục chết. Mấy hôm nay giếng mới bắt đầu có nước, có thể dùng gàu múc, còn bơm thì không được. Khô hạn kiểu nớ lấy đâu ra nước mà tưới cho cây!”. Một tiểu thương trú thôn An Tây (thị trấn Tiên Kỳ) buôn bán tại chợ Tiên Phước chia sẻ thêm: “An Tây là một cái nổng cao, không kiểu gì tưới nổi. Vườn tôi cỡ 2 sào, có nhiều cây lòn bon tuổi 20 - 30 và một ít 60 - 70 tuổi, không chịu nổi hạn, mất trắng. Còn thanh trà chỉ cho trái bằng nắm tay, tôi bán tại vườn 20 nghìn đồng/kg. Dù sao có trái bán mua chút mắm muối còn hơn không”. Tại xã Tiên Hiệp, nhiều vườn đang thu hoạch vụ thanh trà nhưng với những vườn chủ động tưới, năng suất vẫn đảm bảo và ngược lại, nhiều vườn thanh trà cho trái quá nhỏ, chất lượng kém nên chỉ có thể tiêu thụ nhỏ lẻ tại chỗ với giá rẻ.
Thâm canh còn hạn chế
Theo ông Phạm Xuân Hưng - Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Thượng Tây, nguyên nhân thất thu chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết và việc chủ động ứng phó của người sản xuất còn kém. “Càng ngày khô hạn càng nặng, nước tưới khó khăn dần. Tâm thế của người dân ứng phó với khô hạn còn lơ mơ lắm, kỹ năng phòng chống thiên tai chưa có. Các vườn chỉ có giếng đào, khoan, chứ chưa dự trữ nước tưới, ứng phó với khô hạn để cứu những vườn cây trái thì phải tính chuyện lâu dài, bài bản. Mỗi vườn chỉ có 1 - 2 giếng nước chẳng ăn thua. Chỉ trừ một số gia trại, trang trại có sự đầu tư, thâm canh, năng suất phần nào đảm bảo” - ông Hưng nói. Ngoài ra, theo ông Hưng, mô hình sản xuất của người dân trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư thâm canh, chăm sóc nên cây trồng cho hiệu quả chưa cao. Người dân chưa nhạy bén với cái mới, chưa chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tìm kiếm, tuyển chọn giống mới có năng suất cao để nâng cao năng suất, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Dù Nhà nước có một số hỗ trợ về giống cây ăn quả, tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc cây trồng, khuyến khích nhân dân cải tạo vườn tạp, thâm canh cây trồng nhưng người dân chưa mặn mà.
Theo ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, thu nhập từ kinh tế vườn những năm gần đây có tăng đáng kể song người dân vẫn chưa có sự thâm canh hợp lý đối với những cây dài ngày như ở các nơi khác. Năm nay, thời tiết cực đoan, nhiều nhà vườn Tiên Phước chưa có giải pháp tưới nên thất thu là khó tránh khỏi. “Diện tích trồng cây lòn bon của huyện rất lớn song phần lớn mất mùa do bị gió nóng, khô hạn dẫn đến hoa, quả bị rụng hết. Một số loại cây khác cũng tương tự. Để chủ động ứng phó với khô hạn thời gian tới, ngành nông nghiệp đã đi khảo sát tất cả dòng suối gọi là thủy lợi bậc thang, đề xuất tỉnh hỗ trợ người dân có giải pháp dẫn nước về tưới cho vườn tược, hỗ trợ để người dân đóng giếng tưới cho cây trồng” - ông Phụng nói.
Cũng theo ông Phụng, dù đã có một số đề tài nghiên cứu, huyện cũng mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng vườn, phát động nhân dân cải tạo vườn tạp, song khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của người dân còn hạn chế; khâu cải tạo vườn tạp vẫn còn chậm. Với những người quyết tâm đầu tư thì rất hiệu quả.