Năm 1992, Khu di tích quốc gia Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My) được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế đầu tư đồng bộ và quản lý bài bản, xứng tầm. Khu di tích quốc gia Trung Trung Bộ - Nước Oa được quy hoạch diện tích 700ha và có 11 điểm di tích với quy mô khác nhau.
Theo bà Hồ Thị Xinh - Trưởng bộ phận Quản lý Khu di tích quốc gia Trung Trung Bộ - Nước Oa, UBND tỉnh đã có chủ trương giao toàn bộ các điểm di tích về cho huyện Bắc Trà My quản lý (trừ di tích An ninh Khu 5 do Bộ Công an quản lý).
Tuy vậy, bên cạnh những di tích được cơ quan chủ quản xây dựng quy mô, duy trì quản lý, trùng tu bài bản, khang trang như các khu lưu niệm Ban Tổ chức, Ban Tài mậu Khu 5, bia di tích Ủy ban Kiểm tra Khu ủy 5… thì còn 4 di tích chưa được bàn giao về huyện và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong quản lý, phát huy giá trị.
Trong đó, di tích Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu niên Nước Oa (Tỉnh đoàn Quảng Nam quản lý), đất được giao gần 10ha, chỉ sử dụng một phần nhỏ, đất còn lại chưa sử dụng, cỏ dại, cây cối tự phát mọc um tùm.
Hai di tích Khu lưu niệm Trường Đảng Khu 5 (Học viện Chính trị Khu vực III quản lý) và Bia di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Trung Trung Bộ (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý) chưa được trùng tu, nâng cấp sau khi đầu tư xây dựng ban đầu; việc duy trì quản lý bảo vệ thường xuyên ít được lưu tâm nên đang bị xuống cấp, khuôn viên hoang vắng, nhếch nhác.
Điểm di tích gốc Khu ủy 5, được ngành văn hóa tỉnh đầu tư với nhiều giai đoạn nhưng lại có khu dân cư bên trong gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, việc sử dụng đất toàn Khu di tích quốc gia Trung Trung Bộ - Nước Oa chỉ mới khoảng 6% so với quy hoạch tổng thể. Cơ quan chủ quản các di tích chưa được bàn giao về huyện cần rà soát, trùng tu và sớm bàn giao về cho địa phương quản lý theo đúng chủ trương của UBND tỉnh.
Theo ông Vũ, UBND tỉnh cần quan tâm điều chỉnh tăng thêm các nguồn lực duy trì quản lý, bảo vệ phù hợp với tình hình thực tế về chăm sóc cây xanh, cây cảnh, đón tiếp khách, vệ sinh môi trường… thường xuyên hằng năm cho toàn khu; bố trí kinh phí khắc phục thiệt hại xuống cấp do mưa lũ gây sạt lở đất hồi cuối năm 2020 tại một số điểm di tích.
Lý do là quy định trước đây tại Quyết định 4566 của UBND tỉnh ban hành cuối năm 2016 phê duyệt “Đề án tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia Trung Trung Bộ - Nước Oa” không còn phù hợp.
“Về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể chi tiết toàn khu gắn với bố trí không gian cảnh quan chung, di dời khu dân cư nằm trong di tích gốc, mở rộng hệ thống giao thông kết nối, khu đón tiếp tập trung… Từ đó, có các cơ chế huy động nguồn lực đầu tư tập trung, quản lý bài bản và đồng bộ” - ông Vũ đề xuất.