Nhiều ý kiến về học phí và chính sách trường chuyên

XUÂN PHÚ 20/07/2016 07:54

Trong phiên thảo luận tổ sáng qua 19.7 tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX, vấn đề học phí và chính sách đối với học sinh và giáo viên trường THPT chuyên đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Học phí nên tăng mức 30%

Mặc dù đã đăng đàn tại phiên thảo luận chung ở hội trường trước đó (chiều 18.7) nhưng sáng qua 19.7, tại phiên thảo luận ở tổ, một lần nữa Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc phát biểu giải trình đề xuất mức thu học phí mới từ năm học 2016 - 2017 để “các đại biểu nắm rõ hơn”. Theo ông Quốc, đề xuất tăng học phí dựa vào chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng hơn 34,8% so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 24% xuống còn 10% trong 5 năm qua. Do đó, đề nghị tăng 50% so với trước đây là hợp lý và phù hợp với khung quy định học phí của Nghị định 86 (ngày 2.10.2015) của Chính phủ.
Trong khi đó, phát biểu thêm về vấn đề học phí, ông Nguyễn Dương Triều - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh vẫn bảo lưu quan điểm mà trong báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - xã hội đã trình bày tại phiên khai mạc, rằng mức thu theo đề án tăng 50% so với Nghị quyết 163 của HĐND tỉnh là khá cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống người dân hiện nay, trong khi Quảng Nam đang thực hiện phổ cập giáo dục ở các bậc học mầm non và phổ thông. Vì vậy, Ban Văn hóa - xã hội đề nghị tăng ở mức 30%. “Nếu mức thu học phí theo đề xuất của tỉnh thì Quảng Nam chỉ thấp hơn Bình Định, còn lại cao hơn các địa phương khác, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội và Đà Nẵng. Trong khi đó, điều kiện kinh tế, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, không bằng các địa phương khác” - ông Triều dẫn chứng.

Chỉ nên tăng 30% học phí giáo dục phổ thông vào năm học 2016 - 2017 (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: XUÂN PHÚ
Chỉ nên tăng 30% học phí giáo dục phổ thông vào năm học 2016 - 2017 (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: XUÂN PHÚ

Đồng tình với quan điểm học phí tăng 50% là cao, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Văn Anh Tuấn cho rằng nếu tăng đột ngột như vậy sẽ khó mà tạo ra sự đồng thuận trong phụ huynh và người dân. Theo ông Tuấn, việc tăng học phí phải được tính toán và thực hiện theo lộ trình, trong đó năm học 2016 - 2017 chỉ tăng ở mức 30% là hợp lý. Có như vậy mới giúp cho tỉnh thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, không tác động tiêu cực đến việc học của con em cũng như đời sống của người dân.

Tăng khuyến khích học sinh giỏi

Liên quan đến cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng phải thay đổi tư duy, cách làm để đem lại hiệu quả. Sắp tới, phải tính toán, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thành các đơn vị sự nghiệp có thu để đơn vị tự hợp đồng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. “Cách làm vừa qua, giao ngân sách cho cơ sở đào tạo còn việc đào tạo được bao nhiêu lao động, chất lượng ra sao không ai nắm được. Bây giờ, thay vì kiểm soát đầu vào như trước thì chúng ta sẽ kiểm soát đầu ra” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn bày tỏ lo lắng về phương thức thực hiện cơ chế đào tạo nghề, bởi “không khéo tỉnh mất tiền mà không có hiệu quả trong đào tạo nghề, còn tạo kẻ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi”.

Về chính sách đối với trường chuyên, ông Quốc cho biết mục tiêu khi Sở GD-ĐT tham mưu cho tỉnh thay đổi một số điểm trong Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh là làm sao để sử dụng nguồn ngân sách đầu tư cho trường chuyên, dù tổng mức đầu tư không đổi nhưng hợp lý và hiệu quả hơn. Thay vì mức hỗ trợ không thay đổi trong suốt quá trình 3 năm học ở trường như trước đây, từ nay sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, 5 tháng đầu năm học lớp 10, tùy mỗi vùng theo quy định học sinh sẽ được hưởng 80 - 120% mức lương cơ sở; từ tháng thứ 6 trở đi sẽ được xem xét hỗ trợ khuyến khích theo kết quả học tập. “Mức hỗ trợ trước đây mang tính bình quân và không bị ràng buộc bởi kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, từ đó chưa tạo động lực động viên, khuyến khích. Vì vậy, việc điều chỉnh mức hỗ trợ học tập thường xuyên và mức hỗ trợ khuyến khích học tập sẽ động viên, khuyến khích các em phấn đấu, nỗ lực học tập hơn” - ông Quốc chia sẻ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, trước đây khi thành lập trường THPT chuyên chúng ta chỉ suy nghĩ đơn giản là đào tạo nhân tài, học sinh theo học tại trường được hưởng chính sách của tỉnh. Còn các em học xong, vào đại học và sau này ra trường đi đâu, về đâu không nắm được. Trong khi đó, hàng năm tỉnh bỏ tiền ra thu hút nhân tài về địa phương công tác thì con em trong tỉnh được hỗ trợ kinh phí học tập lại đi làm nơi khác. Bất cập này cần sớm được khắc phục. “Tôi rất đồng ý với ý kiến của Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa, nên chăng chúng ta dùng kinh phí để hỗ trợ việc ăn ở cho học sinh nghèo ở ngoài địa bàn TP.Tam Kỳ và TP.Hội An vào học tại các trường THPT chuyên. Đồng thời xây dựng quỹ để nâng mức hỗ trợ khuyến khích học tập cho các em học giỏi, đạt thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi nhằm động viên các em nỗ lực học giỏi hơn nữa” - đồng chí Nguyễn Ngọc Quang nêu giải pháp.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều ý kiến về học phí và chính sách trường chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO