Sau hơn 2 tuần khởi dựng, Chi hội Sân khấu trực thuộc Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã tổ chức nghiệm thu, trình diễn báo cáo vở kịch ngắn mang tên “Phú ông kén rể”. Với sự ra đời của vở diễn này, danh mục kịch dân ca ngắn có yếu tố hài của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã được nâng lên 3 vở (2 vở trước là “Quan làng xử kiện” và “Thủ Thiệm ở chợ Được” - thuộc một phân cảnh độc lập trong vở “Thủ Thiệm”).
Một cảnh trong vở “Phú ông kén rể” với sự góp mặt của nhiều diễn viên trẻ. |
Theo NSND Từ Minh Hiệp, ủy viên ban điều hành Chi hội Sân khấu và là Phó trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, sự ra đời của các vở kịch ngắn đã góp phần làm cho “thực đơn” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức khác nhau của công chúng. Thay vì tìm xem những vở chính kịch dài hơi - nhiều vở có thời lượng tới 120 phút, gần đây nhiều nơi người ta yêu cầu suất diễn bao gồm một số bài hát dân ca, một vở kịch ngắn - nếu là hài kịch thì càng tốt. Với thời lượng mỗi vở không quá 40 phút và đều có yếu tố hài, cả 3 vở ngắn được dàn dựng từ năm 2012 đến nay hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ấy.
Không chỉ đáp ứng được đòi hỏi có vẻ rất hợp thời với nhịp sống hiện đại của công chúng trong thưởng thức kịch nghệ, việc đưa vào dàn dựng các vở kịch ngắn còn giúp các diễn viên trẻ, mới vào nghề một vài năm có cơ hội thử sức mình. Xưa nay, không riêng gì ở Đoàn Ca kịch Quảng Nam, trong những vở diễn lớn, các diễn viên mới vào nghề hầu như chỉ được giao vai phụ, thậm chí là vai không có thoại, trải qua vài ba năm như thế mới được giao vai chính thức. Còn với các vở ngắn, tình huống kịch thường không quá dài, dứt khoát; diễn biến tâm lý nhân vật và yêu cầu biểu đạt sân khấu cũng có phần đơn giản hơn nên các diễn viên trẻ thường được đưa vào tuyến kịch ngay từ đầu. Trong 3 vở kịch ngắn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam hiện nay, bình quân mỗi vở có khoảng 10 - 12 diễn viên và vở nào cũng chỉ có không quá 3 diễn viên gạo cội góp mặt. Đặc biệt, các diễn viên lâu năm này không phải lúc nào cũng thủ vai chính, cũng nằm trong kíp 1 mà còn được đưa vào kíp 2, kíp 3, được phân vào những vai có các lớp diễn song hành với những vai diễn do các diễn viên trẻ đảm nhận... Theo NSND Từ Minh Hiệp, trong các hình thức đào tạo diễn viên sân khấu, cách đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp qua từng vở diễn trên sân khấu như thế này có thể nói là cực kỳ tiết kiệm nhưng luôn đem lại hiệu quả rất cao... Ngoài ra, khi dàn dựng các vở diễn ngắn, không chỉ diễn viên trẻ mà các nhạc công mới vào nghề cũng có cơ hội thử sức, thể hiện mình. Chẳng hạn như lần này với vở “Phú ông kén rể”, có một nhạc công vừa đầu quân về đoàn được 2 tháng đã được biên chế thẳng vào ê kíp nhạc, thay vì chỉ được kiến tập như thông lệ lâu nay.
Sau lớp diễn viên trẻ như Quang Việt, Hùng Nhật, Ngọc Uyên, Quang Diệu, Hồng Trang... vừa thành danh, Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn có một lớp diễn viên mới hơn, trẻ hơn như Thảo Trang, Tạ Tấn, Hồng Lợi, Ngọc Diễm, Phương Thúy... cũng đã bắt đầu được nhắc tên trên sàn diễn, một phần là từ và nhờ vào những vở diễn ngắn như thế. Hiện tại, bên cạnh các vở diễn mới được dàn dựng trong vài năm trở lại đây, một loạt vở diễn “kinh điển” như “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Một thời đất lửa”, “Xuân tím”, “Muối mặn đời em”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Chia tay hoàng hôn”... đang được Đoàn Ca kịch Quảng Nam tổ chức phục dựng. Khá nhiều vai diễn trong các vở diễn này trước đây do các diễn viên gạo cội của đoàn thủ vai, nay có người trong số họ đã giải nghệ, có người “xuống sức”, thành ra cơ hội được trao vào tay lớp diễn viên mới... Từ cách thức đào tạo diễn viên qua các vở diễn ngắn và sự hoán chuyển, thay thế một số vai diễn trong các vở diễn lớn như thế này, trong tầm nhìn dài hơi về phía trước, có thể vững tâm hơn phần nào về lực lượng kế tục cho loại hình sân khấu đặc biệt này...
PHÚ MỸ