Hội thảo khoa học “Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng đã tiếp tục đưa ra những góc nhìn đa chiều về cuộc chiến, về vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng xưa và nay.
Tư liệu về cuộc chiến Mậu Ngọ 1858 trình bày tại hội thảo. |
Vấn đề được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tranh luận nhiều nhất là có hay không việc triều đình nhà Nguyễn đã thụ động trong cuộc chiến với liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung? Trước một số ý kiến trái chiều cho rằng, các cuộc phản kháng chống lại quân xâm lược viễn chinh ở giai đoạn này hết sức bị động và chủ yếu thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân. Theo GS-TS. Trương Quốc Bình - Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, cần phải khẳng định vai trò của nhà Nguyễn trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ trên cả nước nhất là việc bảo vệ các vùng biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên, sự quan tâm này thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ còn việc nước ta bị thực dân Pháp xâm lược ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Còn GS. Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ) đưa ra dẫn chứng về sự kiện tàu Constitution cập cửa Hàn từ năm 1845 (cách thời điểm xảy ra chiến sự khoảng 13 năm) để thấy rằng tình hình phức tạp đã có thể thấy trước được để có thể chuẩn bị chiến lược đối phó.
Là biểu tượng tiêu biểu cho cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858) còn hiện hữu tại Đà Nẵng đến bây giờ, đó là thành Điện Hải. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu trăn trở và đưa ra nhiều đề xuất bởi đã từng có thời điểm trước đây di tích này chưa được quan tâm đúng mức. Theo ThS. Lê Nguyên Phong, sau khi chiếm đóng Đà Nẵng, người Pháp đã “biến đổi công năng thành Điện Hải thành bệnh viện quân đội và triệt hạ cổng tây thành và đắp bờ lũy ngăn chặn sự tấn công của nghĩa quân Quảng Nam trong giai đoạn sau đó. Còn GS-TS. Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, nói: “Không nhất thiết phải phục hồi toàn bộ tường thành, những phần tường thành chưa đủ cơ sở tư liệu khoa học thì gia cường phần móng nguyên gốc, không phục hồi hoàn chỉnh, đây là cách gây sự chú ý đối với du khách đơn cử như tháp nghiêng Pisa ở Italia”.
Nhìn lại cuộc chiến từ 160 năm trước tại Đà Nẵng, đến nay vẫn còn những giá trị thời sự khiến nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp cận với sự kiện này từ góc độ hiện tại. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình rằng, không phải ngẫu nhiên, không phải chỉ vì Đà Nẵng gần kinh đô Huế mà liên quân Pháp - Tây Ban Nha quyết định nổ súng vào đây, bởi sau này người Mỹ cũng đã chọn nơi đây để đổ bộ đầu tiên. Theo TS. Lê Sơn Phương Ngọc, thực ra, người Pháp chủ trương đáng chiếm Đà Nẵng với mưu đồ lớn hơn, có ý nghĩa chiến lược bao quát với tham vọng biến Đà Nẵng thành bàn đạp lý tưởng để thống trị toàn bộ khu vực thuộc địa rộng lớn ở Đông Nam Á. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà ngoại giao, TS. Hoàng Oanh - Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) cho rằng, Đà Nẵng hiện đang là một trọng điểm trong sáng kiến kết nối khu vực của Nhật Bản, cần phải tận dụng cơ hội lớn này. TS. Hoàng Oanh nhận định, hiện nay Nhật Bản đang thúc đẩy sáng kiến kết nối khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong đó vai trò của Đà Nẵng đặc biệt được coi trọng, trước mắt, Nhật Bản ưu tiên kết nối hành lang Đông Tây và hành lang phía nam lấy Đà Nẵng và Cái Mép - Thị Vải làm các cửa ngõ quan trọng.
QUỐC TUẤN