Năm học 2021 - 2022 là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6. Sau năm đầu tiên thực hiện ở lớp 1, ngành GD-ĐT đánh giá kết quả ra sao?
Chuyển biến tích cực
Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa XV vừa tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 1 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đánh giá của bộ, đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới triển khai ở lớp 1 năm học 2020 - 2021 dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các trường học chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, năng lực sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên (GV). Việc khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh (HS).
Chất lượng HS lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Tại Quảng Nam, Sở GD-ĐT nhận định, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 được đánh giá khá tốt về công tác chuẩn bị, đảm bảo đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Các địa phương đều ưu tiên bố trí GV dạy lớp 1 đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp, được tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới đầy đủ; toàn tỉnh đã đầu tư 28 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học; tất cả HS lớp 1 học 2 buổi/ngày, trong đó có đến 98% được học 9 - 10 buổi/tuần.
Chất lượng học tập của HS có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hoàn thành tốt môn Tiếng Việt tăng hơn 4,6%, môn Toán tăng hơn 1,3% so với năm học trước, tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất là SGK. Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, cả 5 bộ SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được các trường tiểu học chọn lựa sử dụng trong năm học 2020 - 2021; trong đó 4 bộ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm đa số với hơn 96% số trường (262/272) và gần 89% số HS (hơn 25.300/28.600).
Riêng bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh với sự cố ở sách Tiếng Việt nhưng khá may mắn trên địa bàn tỉnh không nhiều HS sử dụng bộ sách này (35 trường với 3.253 HS, tỷ lệ 11%).
Ngay sau khi có thông tin, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, trường tiểu học kịp thời rà soát, chỉnh sửa phù hợp nên không ảnh hưởng gì nhiều đến công tác dạy và học.
Chủ động trong năm học mới
Năm học 2021 - 2022 là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nên công tác chuẩn bị không còn cập rập như trước, nhất là việc lựa chọn SGK. Theo quy định, quyền lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 được giao cho các trường tiểu học còn năm nay thẩm quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh.
Để triển khai, ngay từ tháng 1.2021 UBND tỉnh đã có quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn SGK. Trên cơ sở lựa chọn của các hội đồng, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1069 (19.4.2021) phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh năm học 2021 - 2022.
Sau sự cố ở năm học trước, bộ sách Cánh diều không còn nằm trong danh mục sử dụng của giáo dục Quảng Nam. Thay vào đó, SGK lớp 1 và cả lớp 2 và 6 hầu hết là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chỉ có sách Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 là của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Hảo - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT thông tin, một số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày chưa đảm bảo 9 - 10 buổi/tuần theo quy định, tỷ lệ HS/lớp vượt quá 35 em gây khó khăn trong giảng dạy.
Thiếu GV cũng là một khó khăn, nhất là GV dạy môn Tiếng Anh tự chọn đối với lớp 1 khi cả tỉnh có hơn 11% HS lớp 1 chưa được học Tiếng Anh.
Đối với lớp 6, theo ông Châu Văn Thủy - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, chương trình, nội dung SGK lớp 6 còn mới, thời gian tiếp cận của GV chưa nhiều nên việc tổ chức triển khai gặp khó khăn, nhất là đối với những môn học như hoạt động trải nghiệm, khoa học tự nhiên.