Nhìn lại những chuyển động - Bài 1: Chuyển động của tăng trưởng

LÊ VĂN 15/10/2018 01:50

Có những chuyển động theo tuần tự đã được dự báo trước. Có những chuyển động đột biến, bất ngờ. Có những chuyển động nhẹ nhàng, không ồn ào, nhưng là những chỉ dấu tích cực, đầy triển vọng từ sự vận động của đời sống…

Gần 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, nhìn lại một số điểm nổi trội trong sự chuyển động của bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Nam, câu chuyện phát triển đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ.

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam gần 3 năm qua (2016-2018) có nhiều bất ngờ, đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển nhanh và bền vững.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam gần 3 năm qua (2016-2018) có nhiều bất ngờ, đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển nhanh và bền vững.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

BÀI 1: CHUYỂN ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam gần 3 năm qua (2016-2018) có nhiều bất ngờ, đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Tốc độ tăng GRDP (giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn) của Quảng Nam  bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 12,33%,  cao hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (10 - 10,5%/năm cho cả giai đoạn 2016-2020). Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường.

Đột biến

Ngay  năm  đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (năm 2016), Quảng Nam đã gặt hái được thành tựu kinh tế một cách ngoạn mục, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch và nằm ngoài các dự báo lạc quan nhất, khi con số tăng GRDP lên đến 27,23% (các số liệu trong loạt bài đều được công bố từ Tổng cục Thống kê -  PV). Tương ứng với tỷ lệ này là sự gia tăng đột biến của một số chỉ tiêu kinh tế khác. Trong đó, nổi bật nhất là ở khu vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng 31,41%, đưa Quảng Nam dẫn đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm này. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 35,3% so với năm 2015; riêng thu nội địa tăng kỷ lục, với 42,5% (năm 2016 có số thu 20.348 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 13.763 tỷ đồng).

Theo Cục Thống kê Quảng Nam, trong nhóm 6 chỉ tiêu kinh tế đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, kết quả đạt được trong 3 năm 2016 - 2018, như sau: Có 2 chỉ tiêu đạt và vượt là tăng trưởng kinh tế và thu nội địa; 3 chỉ tiêu có khả năng đạt vào năm 2020 là GRDP bình quân đầu người, cơ cấu GRDP và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP.

Sự tăng trưởng đột biến của các khu vực công nghiệp, dịch vụ và thuế sản phẩm đã kéo theo sự chuyển động mạnh mẽ trong cơ cấu GRDP và nâng đáng kể quy mô nền kinh tế địa phương. Tính đến cuối năm 2016, khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm 12,38% GRDP (giảm 2,28 điểm phần trăm so với năm 2015); khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm lần lượt là: 36,59%, 32,51% và 18,52% (số liệu tương ứng của năm 2015 là: 36,28%, 31,4% và 17,66%). GPDP bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng, tăng 10,5 triệu đồng so với năm trước. GRDP năm 2016 cao hơn so với năm 2015 gần 16 nghìn tỷ đồng, đạt mức 76,8 nghìn tỷ đồng (tính theo giá hiện hành).

Áp lực

Vừa đạt mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2016, nhưng bước sang năm 2017, tăng trưởng kinh tế Quảng Nam bất ngờ chậm lại. Đáng chú ý là hiện tượng này tiếp tục xuất hiện trong năm 2018 và nhiều khả năng sẽ còn kéo dài ít nhất vài năm sau nữa.

Còn nhớ năm ngoái, khoảng từ đầu tháng 6 đến gần cuối năm, câu chuyện về thu ngân sách luôn là vấn đề nóng bỏng tại các diễn đàn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên quan. Bởi, sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục năm 2016, nguồn thu ngân sách Quảng Nam những tháng đầu năm 2017 đã tụt giảm nhanh chóng. Khả năng hụt thu nội địa, như  dự báo của Sở Tài chính hồi giữa năm, lên đến hơn 2.000 tỷ đồng! Rất may là đến cuối năm, số thu đạt được xấp xỉ bằng năm 2016, với 14.408 tỷ đồng. Và trong năm 2018 này, dù không còn tình trạng căng thẳng như năm 2017 (ước thu nội địa khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng), nhưng mức tăng trưởng không thể đột biến như năm 2016 (số thu năm 2016 hơn năm 2015 là 4,16 nghìn tỷ đồng).

Biến động về nguồn thu ngân sách cũng đã cho thấy sự chuyển động của tăng trưởng. Trong 2 năm 2017 và 2018, kinh tế Quảng Nam, dù vẫn tiếp tục ổn định và tăng trưởng, nhưng không còn bất ngờ, đột biến. Đáng chú ý là mức tăng không đạt kế hoạch đề ra, khi GRDP năm 2017 chỉ tăng 5,09% và 2018 ước đạt 6,01%, thấp hơn tăng trưởng của cả nước. Ngoài khu vực nông nghiệp có sự ổn định trong cả giai đoạn 2016 - 2018 (bình quân 3,7%/năm), các khu vực còn lại đều  biến động lớn và giảm mạnh so với năm 2016. Trong đó, tăng trưởng GPDP lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và  thuế sản phẩm các năm 2017 và 2018 lần lượt là: 2,73% - 4,01%, 7,48% - 8,88% và 7,21% - 6,43%. Rõ ràng, mức tăng trưởng hai con số về quy mô GRDP và trong từng lĩnh vực kinh tế đã không còn xuất hiện như năm 2016 trở về trước. Đây là sự khác biệt lớn nhất và cũng đáng chú ý nhất về sự chuyển động của kinh tế Quảng Nam, qua hơn nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

Và những thách thức

Các phân tích cho thấy, sự đột biến của ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong năm 2016 giữ vai trò quyết định đến tăng trưởng GRDP và số thu ngân sách của tỉnh. Điều này không có gì lạ khi ô tô luôn chiếm tỷ trọng hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 60% tổng số thu ngân sách của tỉnh nhiều năm qua. Từ năm 2017,  những thay đổi về chính sách vĩ mô đối với công nghiệp ô tô ngay lập tức đã tác động và tạo ra diễn biến khó lường của thị trường ô tô cả nước. Tại Quảng Nam, mặc dù sản xuất ô tô vẫn duy trì tăng trưởng khá nhưng chỉ tập trung ở dòng xe du lịch, chỉ số sản xuất và tiêu thụ các dòng xe tải, xe bus giảm dần. Một khi ngành ô tô không có sự tăng trưởng nhảy vọt, kinh tế Quảng Nam cũng không thể có mức tăng đột biến. Và ngược lại, nếu như ô tô tụt giảm, nhiều chỉ số kinh tế Quảng Nam cũng giảm theo.

Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm một số dự án mới quy mô khá lớn được đầu tư và đi vào hoạt động, nhưng năng lực sản xuất tăng thêm không nhiều.  TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Tam Thăng - Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm một số dự án mới quy mô khá lớn được đầu tư và đi vào hoạt động, nhưng năng lực sản xuất tăng thêm không nhiều. TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Tam Thăng - Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong một diễn biến khác, chính mức tăng ngoạn mục GRDP năm 2016, lại tạo ra… áp lực lên chỉ tiêu tăng trưởng trong cả giai đoạn 2017 - 2020 và có khả năng sẽ kéo dài trong những năm kế tiếp. Bởi, với giá trị tổng sản phẩm đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (giá so sánh 2010) ngay trong năm đầu tiên của kế hoạch 2016 - 2020, quy mô nền kinh tế Quảng Nam là khá lớn. Năm 2017 và 2018, dù mức tăng GRDP không cao, nhưng tính đến cuối tháng  6.2018, 1% GRDP lượng tăng tuyệt đối của Quảng Nam đã là 286,5 tỷ đồng, chỉ xếp sau Đà Nẵng (322,9 tỷ đồng) trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Quy mô kinh tế càng lớn, càng tạo ra áp lực lên chỉ số tăng trưởng. Đó là điều dễ hiểu. Kinh tế Quảng Nam năm 2017, 2018 và vài năm kế tiếp, ngành  ô tô chậm lại, các ngành và lĩnh vực kinh tế khác, nếu bứt phá đến mấy cũng không thể bù đắp được. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có thêm một số dự án mới quy mô khá lớn được đầu tư và đi vào hoạt động (nhà máy nước giải khát Pepsi, dệt may Panko, nhà máy xe bus, nhà máy bia BVL, nhà máy mazda...), nhưng năng lực sản xuất tăng thêm không nhiều. Tổng vốn đầu tư phát triển 3 năm 2016 - 2018, chưa đạt mục tiêu kế hoạch (bình quân đạt 29,4% so với GRDP, chỉ tiêu hơn 30%). Trong đó, vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước chiếm hơn 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chủ yếu dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông thôn, miền núi và giảm nghèo.

Nếu như sản xuất ô tô vẫn khó đoán định về diễn biến trong vài năm đến, thì các sản phẩm công nghiệp chủ lực sau ô tô, có mức đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách, như bia, giày dép, dệt may, khai khoáng... cũng khó dự báo do chịu sự tác động khó lường của thị trường cả trong và ngoài nước. Riêng ngành sản xuất điện lại chịu sự điều tiết của ngành. Quan sát tình hình đầu tư hiện nay, những năm đến, các dự án mới có quy mô lớn tham gia nền kinh tế cũng sẽ chưa nhiều. Vì thế, tăng trưởng GRDP vẫn là bài toán đầy thách thức.

_______
Bài 2: Tín hiệu mới trong sự ổn định

Có những tín hiệu mới, dù chưa mạnh mẽ, chưa đóng góp lớn vào sự chuyển dịch về chất của nền nông nghiệp, nhưng là những tín hiệu rất đáng mừng, nhiều hy vọng…

LÊ VĂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lại những chuyển động - Bài 1: Chuyển động của tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO