(Xuân Đinh Dậu) - Hai mươi năm. Từ một tỉnh nghèo nhất, nhì cả nước, Quảng Nam đã vươn lên đứng vào hàng ngũ những tỉnh phát triển khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp là trọng tâm, du lịch dịch vụ là mũi nhọn, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ. Ngân sách từ nhận trợ cấp hơn 70% năm 1997 đến nay đã tự cân đối và là một trong 15 tỉnh có điều tiết về Trung ương từ năm 2017. Đời sống của bộ phận lớn nhân dân được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều chưa làm được. Khu vực miền núi, vùng kháng chiến, căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn; nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển như mong muốn; tác động của thiên tai, khí hậu cùng với sự phát triển nóng trên một số lĩnh vực có thể gây tổn hại tới môi trường. Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều thành công nhưng chưa có sự đột phá như kỳ vọng ban đầu về một mô hình mới của cả nước. Năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao, liên kết vùng chưa mạnh...
Là những người từng gắn bó với vùng đất này, họ chia sẻ những trăn trở và kỳ vọng về một Quảng Nam trong tương lai.
Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Nỗi lo thường trực trong tôi là nông thôn và nông dân
Phải có cách nhìn mới về nông thôn và nông dân. Phải làm sao cho đời sống nông dân đi lên, tạo cơ hội để người ta hội nhập với nhiều nền văn hóa chứ không chỉ quanh quẩn với văn hóa làng quê. Thứ hai, phải cho người ta kiến thức. Trong thời đại khoa học hiện đại như thế này thì phương thức sản xuất của người nông dân trên mảnh ruộng ấy phải được thay đổi. Trồng cây lúa thì phải là cây lúa chất lượng và sản lượng cao. Tôi vẫn nghe chuyện gạo Việt Nam xuất khẩu thuộc loại nhất nhì thế giới. Tôi lại nghe ngoài thị trường, gạo của mình thừa, ế ra đó nhưng dân mình vẫn cứ ăn gạo Thái Lan, cứ ăn gạo nhập. Thế thì tại sao? Lãnh đạo phải suy nghĩ thấu đáo về việc này.
Lâu nay chúng ta nói chuyện dồn điền đổi thửa, tức là mở rộng diện tích thửa đất ra, chuyển vùng, đổi thửa. Đổi đất với nhau. Bây giờ tinh thần sản xuất phải tiến lên sản xuất lớn và tiến đến tích tụ ruộng đất. Tích tụ ruộng đất không có nghĩa là anh trở thành địa chủ. Tích tụ tạo ra sản xuất lớn.
Dồn điền đổi thửa chỉ là bước đi ban đầu, phải sản xuất lớn trên cánh đồng lớn. Tích tụ ruộng đất không có nghĩa là người nông dân sẽ mất đất mà họ góp đất như cổ phần vậy. Lao động sẽ ít đi. Phải đưa khoa học vào sản xuất. Khoa học sẽ tạo điều kiện cho năng suất cao; gạo làm ra chất lượng và an toàn. Và tùy thực tế từng khu vực một; chứ dồn điền đổi thửa mà… ruộng bậc thang thì không ai làm được. Đó phải là đồng bằng. Nó là vùng tương đối thuận lợi để tạo ra diện tích lớn, cánh đồng lớn cho máy móc hoạt động thuận tiện. Phải tùy theo vùng, chớ không phải bất cứ vùng nào cũng làm được.
Cách tổ chức của mình phải tính lại. Phải trở thành hợp tác. Tư duy này đã bỏ nhưng phải trở lại ở nông thôn để có thể hình thành những nông trang rộng lớn. Và không hẳn sản xuất cánh đồng mẫu lớn là cứ trồng cây lúa mà phải tính tới những cây trồng khác. Phải đa dạng sản phẩm và phù hợp với giá trị trên một vùng đất. Chuyện cung cấp tư liệu sản xuất ban đầu, cung cấp đầu vào, đầu ra như thế nào để nông dân sống được. Những điều đó cần được tính toán kỹ lưỡng hơn. Mình nghĩ là vậy. Cần phải có cách nhìn nhận mới.
Thay đổi phương thức sản xuất là điều cần thiết để nông nghiệp, nông thôn phát triển. “Nông nghiệp chỉ có thể là tương lai”. Nằm lòng như vậy thì mới phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân được.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Quy hoạch cần chọn vấn đề đột phá
Nếu nói điều gì tôi mong muốn mà chưa làm được (trong thời gian làm việc ở Quảng Nam) thì nhiều. Nói không hết và dài dòng nữa. Có lẽ chỉ nói vài ba việc thôi. Ngày ấy tôi muốn thúc đẩy một khu kinh tế mở để làm động lực. Đã nêu ra những ý tưởng, mục tiêu và đề xuất các giải pháp; được Bộ Chính trị và Chính phủ đồng ý. Rất tiếc là sau một thời gian rất ngắn, khoảng một năm rưỡi, thì chỉ đạo từ trên không cho tiếp tục các cơ chế ấy nữa (trước đó đã đồng ý cho thực hiện trong 20 năm).
Đến nay Khu kinh tế mở Chu Lai tuy đã thành công rất đáng kể, góp phần quan trọng để tăng ngân sách của Quảng Nam từ 130 tỷ đồng hồi mới chia tách tỉnh lên hơn 20 ngàn tỷ đồng hiện nay. Tuy nhiên, so với ý tưởng ban đầu thì có thể nói là chưa thành công như mong muốn. Ngày đó cũng mong làm sao để Quảng Nam có thể trở thành một nơi có ngành du lịch phát triển lớn, như một trung tâm. Đã bàn trong tập thể cấp ủy và HĐND ra nghị quyết về vấn đề này. Đã chủ trương nghiên cứu định hướng quy hoạch và bảo vệ không gian để triển khai việc đó. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới Hội An làm được, tuy là còn phải làm nhiều nữa. Ngày đó cũng có mong muốn phát triển ở vùng phía tây Quảng Nam các loại cây dược liệu có giá trị lớn, vì xét thấy ở đó có lợi thế để làm vậy. Nhưng loay hoay mãi, chưa làm được gì đáng nói. Gần đây tôi được biết lãnh đạo tỉnh và nhất là lãnh đạo Nam Trà My đã có chủ trương và những giải pháp mạnh mẽ, khả thi để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tôi nghĩ, đúng quá rồi! Cây sâm là một chương trình lớn mà từ đó sẽ mở thêm ra nhiều thứ khác ở miền tây của tỉnh.
Quảng Nam bây giờ đã đến lúc có thể thực hiện việc quy hoạch phát triển ở vùng phía đông nam, từ sông Thu Bồn vào đến Chu Lai, một chuỗi đô thị sinh thái và du lịch. Quy hoạch là một công việc đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, kiến thức tổng hợp rất nhiều mặt, phải nghiên cứu kỹ, để có một sản phẩm thật tốt, ấn tượng lâu dài, về sau không bị lạc hậu, tác động tích cực cho chiến lược phát triển Quảng Nam thành một trung tâm du lịch. Lãnh đạo và các chuyên gia phải rất tâm huyết chứ không thể làm cho qua chuyện.
Quy hoạch thì không đột phá, mà sự lựa chọn trong bố trí không gian và nhất là khi thực hiện quy hoạch thì cần chọn vấn đề đột phá. Rất có thể hạ tầng ở khu vực ven biển và dọc theo các con sông Thu Bồn, Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch... và một số tuyến đường ngang nối vùng đông với hệ thống quốc lộ và đường đến sân bay sẽ là sự đột phá, trong đó tùy theo khả năng tài chính mà lựa chọn cái nào làm trước.
Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Xây dựng văn hóa lãnh đạo
Quảng Nam có những lợi thế so sánh về vị trí địa lý không những của cả nước mà cả khu vực. Trên hết là lợi thế về văn hóa và tiềm năng con người xứ Quảng.
Văn hóa làm nên bản sắc của con người Quảng Nam, là nền tảng phát triển, cần phát huy nhiều mặt: văn hóa cá nhân mỗi người, văn hóa cộng đồng và văn hóa dân tộc. Hội An nổi tiếng cả nước và quốc tế vì giá trị văn hóa riêng có, không giống đô thị khác. Bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Truyền thống văn hóa thúc đẩy xây dựng những nét văn hóa riêng Quảng Nam trong hiện tại và tương lai. Và một điều tôi nghĩ hết sức quan trọng là cần xây dựng “văn hóa lãnh đạo” của cán bộ Quảng Nam thể hiện qua tư duy chiến lược và sáng tạo, sự quy tụ và uy tín với mọi người; tính quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; trọng dân, nghe dân và vì dân. Hai mươi năm qua nhiều thế hệ lãnh đạo trong tỉnh đã trưởng thành từ nền tảng văn hóa của quê hương.
Tôi cho rằng Quảng Nam cần tập trung phát triển những sản phẩm công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp có thương hiệu và chất lượng như người ta thường nói là tham gia “chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu”. Chúng ta kỳ vọng về một trung tâm sản xuất và lắp ráp ô tô, trung tâm điện và công nghiệp khí, khu chế xuất và dịch vụ hàng không ở sân bay Chu Lai, khu phức hợp giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp ở vùng đông nam Hội An; một vùng sâm Ngọc Linh và dược liệu ở miền núi... Sự kỳ vọng là có cơ sở vì đã được chuẩn bị trong nhiều năm và nhiều việc đang được triển khai tích cực có tính khả thi cao vì có sự ủng hộ của trung ương, có đối tác lớn trong, ngoài nước và có môi trường đầu tư thuận lợi, thị trường tiềm năng, cơ chế thông thoáng, hạ tầng tương đối đồng bộ và nguồn nhân lực dồi dào.
Chúng ta có xuất phát điểm thấp và thiếu rất nhiều thứ nên đã hết sức cân nhắc trong mọi sự chọn lựa. Tuy nhiên cũng có lúc này lúc khác, chỗ này chỗ khác tồn tại như phát triển quá nóng thủy điện, một số nhà máy thép, hóa chất công nghiệp gây ô nhiễm để nhân dân bức xúc. Tôi rất mừng là tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh. Tôi phấn khởi với những tin vui cũng như buồn, trăn trở với những chuyện chưa tốt. Nhiều lúc nghĩ về quê hương, tôi tự hỏi phần trách nhiệm của mình trong đó...
Ông Nguyễn Văn Sỹ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy: Thay đổi mạnh tư duy về xây dựng đội ngũ cán bộ
Bây giờ theo tôi, vẫn phải tiếp tục đào tạo cán bộ nhưng quan trọng hơn là đột phá về chất lượng; áp dụng chế độ thi tuyển công chức chặt chẽ để chọn người tài chứ không phải người nhà; thực hiện lộ trình thi tuyển các chức danh hành pháp công vụ ở cấp sở, huyện. Khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ yêu cầu phải có chương trình hành động và mỗi chức danh cần đưa ra 2 - 3 người để xem xét lựa chọn. Trước đây, bầu cử các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND - UBND thường bầu tròn; bây giờ cần có số dư cạnh tranh để lựa chọn người xứng đáng. Ngoài ra, theo tôi cần làm những việc sau: Lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, ai không hoàn thành nhiệm vụ cần có phương án sàng lọc thay thế; xây dựng cơ chế từ chức đối với cán bộ năng lực yếu, vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ; tạo điều kiện để nhân dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ làm công tác hành chính, quản lý nhà nước; thực hiện hết sức chặt chẽ, sâu sát khâu nhận xét đánh giá cán bộ để quản lý, sử dụng cán bộ.
Trước đây, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 4: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”. Quá trình thực hiện nghị quyết đã có tác dụng nhất định về xây dựng chỉnh đốn Đảng trong toàn Đảng, chống suy thoái đạo đức lối sống, tham nhũng tiêu cực, răn đe hành vi sai phạm của một số cán bộ đảng viên, kể cả đảng viên có chức vụ. Song thực chất vẫn chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Nghị quyết nêu một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái chính trị, tư tưởng và đạo đức lối sống. Tuy nhiên, sau khi thực hiện tự phê bình, phê bình cũng chưa chỉ ra hết số cán bộ, đảng viên đó. Rồi vấn đề lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, chạy thi đua khen thưởng cũng chưa được chấn chỉnh quyết liệt. Vì vậy, bên cạnh những cán bộ đảng viên, lão thành cách mạng ủng hộ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì cũng có những người băn khoăn, thiếu tin, nói nghị quyết “lý thuyết suông” là không tránh khỏi. Tôi thấy Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận định 27 biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất đầy đủ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện cho được nghị quyết. Các tổ chức đảng phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tập trung xây dựng đạo đức của cán bộ đảng viên; xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện thực sự để nhân dân góp ý tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân; xóa bỏ cơ chế xin cho, duyệt cấp, kẽ hở cho tham nhũng...
Bà Phạm Thị Minh Chiến - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Luyện kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu
Thời của tôi nó khác, bây giờ khác đi nhiều lắm, nên cách làm dân vận, mặt trận cũng phải khác đi, nếu không sẽ không theo kịp và không đáp ứng yêu cầu. Để dân tin thì trước hết phải tạo sự công bằng, thưởng phạt nghiêm minh, đừng để người tốt mất lòng tin cũng như đừng để người giỏi thui chột ý chí phấn đấu; phải tạo điều kiện cho người ta. Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đăng tải không biết bao nhiêu thông tin, tiêu cực có, tích cực có. Tuy nhiên, cái xấu dễ bị người ta để ý hơn, dễ lây lan hơn bởi trên thực tế, nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng không được xử lý triệt để. Cán bộ bây giờ chưa cống hiến đã lo vun xới, lo hưởng thụ; dân còn cực nhọc mà cán bộ vô cảm với nỗi khổ của dân thì nhìn sao cho đặng? Dân bây giờ họ nắm thông tin hết cả, đừng để họ “không thèm nói” với chính quyền, không muốn góp ý với Đảng. Công tác dân vận mặt trận phải là cầu nối tăng cường niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước. Để làm được điều đó, cán bộ dân vận mặt trận phải luyện kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu.
Đối với tôi, chức vụ chỉ là một đoạn ngắn trong cái chớp mắt của buổi sáng, điều lớn nhất còn lại là tấm lòng. Mình về hưu gần chục năm rồi nhưng dịp lễ lạt nào của các chùa, nhà thờ họ cũng gọi điện mời mình đến chung vui. Bà con ở miền núi cũng gọi điện bảo mình tranh thủ dịp nào lên chơi. Nói như vậy không phải để khoe, mà mình vui vì điều đó. Làm công tác dân vận, đừng lắng nghe giả vờ thì mới giải quyết được những bức xúc trong dân, tránh để trở thành điểm nóng bị che đậy, khi vỡ bùng thì khó giải quyết.
Nhiều lãnh đạo bây giờ cứ tranh thủ bố trí con cái vào những vị trí chủ chốt mà “chẳng ai kịp thở” theo tốc độ lên cấp. Tôi ủng hộ cán bộ trẻ nhưng người trẻ phải có đủ tài lẫn đức thì mới được. Cái nhìn của người trẻ đôi khi bị đứt đoạn, không thông suốt, người trẻ dễ bị dao động nên họ cần một độ lùi nhất định để trui rèn trong thực tế. Kỷ cương không giữ thì ảnh hưởng đến lòng tin của dân nhiều lắm. Và nếu những chuyện tương tự ngày càng nhiều thì những người làm công tác mặt trận dân vận phải mất bao nhiêu thời gian “vận động dân tin là không có chuyện tham nhũng ghế, không có chuyện hoàng hôn nhiệm kỳ”? Khó lắm. Bây giờ nói không thôi, “nói chay” dân họ chẳng tin đâu. Phải làm, làm quyết liệt từ trên xuống dưới thì mới được. Tôi nghĩ vậy.
HOÀNG DIỄM - TRỊNH DŨNG (thực hiện)