Văn hóa

Nhìn lên cao, thấy ché...

ALĂNG NGƯỚC 06/02/2024 10:06

Như tín vật của cộng đồng, ché hiện diện khá phổ biến trong đời sống của đồng bào miền núi, từ vật dụng để ủ rượu cần, đựng thóc lúa, thổ cẩm, cho đến quà tặng ý nghĩa trong các ngày trọng đại. Trên gian thờ tổ tiên, những chiếc ché ngự trị, từ lâu trở thành tài sản vô giá của mỗi gia đình…

tnb-62282-04.jpg
Ché có hình 5 móng rồng được đồng bào Cơ Tu ưa chuộng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già Y Kông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, với cộng đồng người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… ché luôn biểu thị nét văn hóa đặc trưng, góp “sứ mệnh” đặc biệt cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

“Không đơn thuần là đồ vật trang trí, người miền núi xem ché như tài sản rất có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế, dù điều kiện kinh tế có khó khăn đến mấy, bên trong ngôi nhà, người miền núi đều sắm ché. Ché thường được đặt ở vị trí cao ráo, sang trọng nhất của ngôi nhà” - già Y Kông chia sẻ.

Đồ vật trang trí… bàn thờ

Sau thời gian sống cùng gia đình, Alăng Vững - chàng trai Cơ Tu ở tổ Bút Tưa (thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) tách hộ, dựng căn nhà nhỏ cạnh khu vườn. Ngày Vững về nhà mới, một người bác mang chiếc ché sang tặng, làm quà mừng trong niềm vui khôn xiết của chủ nhà lẫn khách.

Chiếc ché được đặt ở vị trí chính giữa ngôi nhà, nơi góc phải của bàn thờ, cạnh di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Alăng Vững nói, cách sắp xếp này phù hợp với truyền thống của cộng đồng Cơ Tu, vừa thể hiện sự trân quý với món quà ý nghĩa từ người bác, vừa tạo không gian ấm cúng cho ngôi nhà mới.

“Người Cơ Tu thường dùng ché để trang trí bàn thờ. Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, ché còn mang ý nghĩa rất lớn về văn hóa, được xem như vật chủ không thể thiếu trong mỗi gia đình vùng cao” - Alăng Vững tâm sự.

Hôm nọ, trở về quê đúng dịp địa phương tổ chức ngày hội đại đoàn kết. Mẹ tôi lấy ra từ trong chiếc ché những bộ trang phục truyền thống để dự lễ. Chiếc ché này được mẹ tôi cất rất kỹ ở góc nhà, chủ yếu đựng các tấm thổ cẩm, mã não của riêng bà.

Món quà sính lễ

Với cộng đồng Cơ Tu, ché thường được xem là món quà sinh lễ trong ngày cưới của nhà trai dành tặng cho nhà gái. Ché càng nhiều, chứng tỏ quy mô đám cưới càng lớn. Ngoài chủ nhà mua sắm, ché có thể do người thân, họ hàng chú rể mang biếu, góp chung niềm vui trong ngày cưới truyền thống.

Mẹ tôi bảo, những chiếc ché được đặt làm trang trí ở khu vực bàn thờ, thường trống rỗng. Nếu có, cũng chỉ để các trang sức, thổ cẩm quý hiếm của gia đình. Tuyệt đối không để chứa trang phục cá nhân, tạo cảm giác không sạch sẽ trước không gian thờ cúng.

Ngày xưa, vật trang trí trên bàn thờ thường là ché cổ (jớ ti), bởi có giá trị thẩm mỹ và kinh tế rất cao. Tuy nhiên, ché cổ bây giờ không còn nhiều.

Giờ trên thị trường có đủ loại ché được bày bán, với đa dạng mẫu mã, kích cỡ sản phẩm, màu sắc hoa văn độc đáo, từ zớ luh (ché mới), zớ ja’rông (ché màu vàng nâu), cho đến zớ a’jrai (ché màu nâu có điểm hạt cườm), zớ k’rông (ché có hình rồng 5 móng)…

Nhưng mẹ tôi nói, ngày nay, người Cơ Tu thường chuộng zớ k’rông, đây là loại ché có giá trị trung bình nhưng khá phổ biến, được cộng đồng dành làm quà biếu tặng nhau.

Biểu tượng văn hóa cộng đồng

Không riêng người Cơ Tu, bất kể cộng đồng thiểu số sinh sống dọc Trường Sơn Đông như Ve, Tà Riềng, Bh’noong, Ca Dong… cũng đều xem ché như biểu tượng của văn hóa cộng đồng. Ngoài trang trí, ché thường được thấy nhiều nhất ở vùng cao dưới hình thức những ghè rượu cần độc đáo.

tnb-62282-11(1).jpg
Văn hóa rượu cần được hình thành và bảo lưu, nhờ ché.

Những năm trước, người vùng cao gần như có sẵn rượu cần để trong nhà. Các buổi tiệc tùng tiếp đón khách quý, tổ chức lễ nghi truyền thống, cưới hỏi, cúng tế thần linh… rượu cần như một “sợi dây” kết nối tình cảm đặc biệt. Nhưng, đằng sau câu chuyện gắn kết đó, ché vẫn được xem là vật mang sứ mệnh cao cả, chứa đựng các giá trị văn hóa cộng đồng.

Già làng Hồ Văn Dinh (ở xã Trà Bui, Bắc Trà My) nói, nếu không có ché, không có nghệ thuật làm gốm, có thể không có loại rượu cần đặc sắc mang hương vị núi rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bởi vậy, giá trị văn hóa là bao gồm cả câu chuyện và hành trình chế biến rượu cần lẫn nghệ thuật làm gốm, hình thành một loại ché được nhiều người ưa chuộng.

“Nhờ có ché, đồng bào mới lưu giữ được văn hóa rượu cần, giữ không gian hội làng và nghi thức truyền thống tốt đẹp” - già Dinh bộc bạch.

Câu chuyện của già Dinh làm tôi nhớ đến cuộc hội ngộ với ông Alăng Linh, thời điểm hơn 10 năm trước. Già Linh là người Cơ Tu, ở thôn Trao (thị trấn Prao, Đông Giang), một người có thâm niên lưu giữ cổ vật của núi.

Căn nhà của già Linh thoạt nhìn không khác một bảo tàng thu nhỏ, với hàng chục chum ché các loại. Trong số đó, có nhiều ché cổ truyền đời qua hàng trăm năm tuổi, được cất giữ cẩn thận.

“Mỗi chiếc ché, chum cổ được mua về, gia đình phải cúng con gà để mừng, hàm ý báo cáo với thần linh. Bởi người Cơ Tu quan niệm, vạn vật đều có hồn và ché cũng không ngoại trừ” - già Linh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lên cao, thấy ché...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO