(VHQN) - Hành trình đời người, những lúc cần soi lại mình, vẫn thấy ngạch cửa như một chiếc gương thần kỳ. Bước qua “chiếc gương” này, cánh cửa nhà sẵn sàng bao dung và đón đợi đứa con xa...
Khởi đi từ những dặn dò
Cái ngạch cửa nhà hình như là nơi chứng kiến nhiều nhất những lời dặn dò. Người dẫu trưởng thành, bước chân vào nhà, bước chân đi xa, hạnh phúc là còn được nghe những lời dặn chừng.
Khi thanh âm của ngày tết lắng xuống cũng là lúc những đứa con xa xứ lại đối diện với chính mình một lần nữa. Chiếc ba lô nặng trĩu những lời dặn và bước chân nơi ngạch cửa vẫn còn chút ngập ngừng.
Quê tôi, gia đình nào cũng có thói quen ngồi ngay ngạch cửa cuối giờ chiều. Chẳng hiểu thứ “tục lệ” ấy có từ bao giờ nhưng những câu chuyện nơi ngạch cửa, hình ảnh trong ấm ngoài êm ấy lại vang mãi trong đầu lớp trẻ chúng tôi. Cứ như ngạch cửa là một nhân vật vô hình nhưng có sức mạnh lắng nghe, lưu trữ và cảm thông cho tất thảy mọi điều.
Tôi cứ hình dung phải chăng chính cái ngạch cửa mỗi ngôi nhà với lời dặn dò của mẹ cha về ý chí vượt khó đã trầm tích qua tháng năm, để trao giá trị lại cho những thế hệ sau?
Ngôi nhà đầu tiên tôi sinh sống có ngạch cửa tiếp nối với khung cửa gỗ hai cánh. Cánh cửa loại gỗ xoan thường thấy, chốt hai đầu, ở giữa có cái nắm tay hình bán nguyệt. Cứ mỗi sáng hay mỗi tối, lúc nghe tiếng ba mẹ chốt hai đầu cửa là tôi biết ngày đã khép lại hoặc mở ra.
Từ tiếng đóng khép này tôi biết đâu là giới hạn của một người con gái mới lớn. Cái ngạch cửa chứng kiến những trưởng thành đầu tiên trong đời của tôi. Đứa trẻ khi ấy đã dần hình thành suy nghĩ “chừng nào cánh cửa còn mở là mình vẫn còn được bao dung”.
Và bao dung...
Rồi chúng tôi cũng lớn, từ ngạch cửa xưa kia tỏa đi muôn nẻo. Có đứa ra phố thị theo gia đình làm kinh tế, có đứa phiêu bạt với những vận mệnh riêng.
Riêng tôi, rời nhà đi ở trọ khi mới chỉ vừa tuổi 15. Mỗi lần nhớ nhà lại mơ thấy mình dắt chiếc xe đạp về đến ngõ, mẹ bước từ cửa ra đón tôi, nụ cười bao dung và hiền từ đó xoa dịu những biến động đầu đời.
Tôi gặp lại những người bạn vong niên của mình cũng từ ngạch cửa. Ngày tết ngồi trong nhà thấy thấp thoáng bóng hình thân quen, vội vã ra đến cửa nắm lấy tay nhau.
Nhiều năm xa xứ, bạn giờ đã định cư ổn định bên Mỹ với tiệm nail lớn hàng chục thợ. Nhưng đâu đó cái góc cạnh của người Quảng thì vẫn còn nguyên vẹn. “Con mình nói thích nhà ở Việt Nam hơn là nhà ở Mỹ vì mỗi ngôi nhà lại là một màu sắc khác nhau, hình thù khác nhau. Nhà ở Mỹ thì giống nhau cả” - bạn nói.
Bạn kể sống ở Mỹ nhưng những ngày lễ tết vẫn không thiếu mâm cúng nào. Chỉ khác là ngạch cửa ở Mỹ rất nhỏ nên người Việt đặt bàn cúng ở trong nhà. Không gian của sự kết nối vì thế cũng không thể “chạm” đến vòng tròn đất trời. Hướng về quê cha đất tổ cũng chỉ biết hướng từ trong tim.
Những ngày xuân đã xa, ngạch cửa lại yên lặng lắng nghe bước chân người ra đi. Nhưng nhiều năm trở lại đây, bước chân ấy đã dần chậm lại, cơ hội đã được chia đều cho mọi miền Tổ quốc.
Người Quảng trước kia là địa phương có đông người ly hương nhất thì nay cũng là nơi có phong trào lập nghiệp sôi nổi nhất. Tôi cứ hình dung phải chăng chính cái ngạch cửa mỗi ngôi nhà với lời dặn dò của mẹ cha về ý chí vượt khó đã trầm tích qua tháng năm, để trao giá trị lại cho những thế hệ sau?
Vì lẽ đó mà trong bóng dáng của những câu chuyện khởi nghiệp, có thành công có thất bại nhưng giống nhau ở tinh thần cống hiến cho quê hương. Và năng lượng bên trong mỗi người chắc chắn không thể thiếu hình bóng quê nhà.
Trong đời con người ta không thể lựa chọn được nơi mình sinh ra. Để rồi trên hành trình riêng có, mỗi lúc cần soi lại mình, vẫn thấy ngạch cửa như chiếc gương thần kỳ và cánh cửa nhà dầu im lặng nhưng sẵn sàng bao dung cho tất thảy...