Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017, tạo hành lang pháp lý cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tổ chức một cuộc thi tìm hiểu về Luật Trẻ em lần đầu tiên trên phạm vi toàn tỉnh là một cách đưa luật đến với người dân, góp thêm tiếng nói vì thế hệ tương lai.
Nhiều trẻ em đã tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em và nói lên tâm tư trẻ em hiện nay. Ảnh: D.L |
Lan tỏa ở cơ sở
Cuộc thi tìm hiểu về Luật Trẻ em đã được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn các địa phương phát động triển khai trong toàn tỉnh. Theo Sở LĐ-TB&XH, đây không chỉ là một cuộc thi, mà còn nhằm mục đích tuyên truyền thay đổi ý thức, chuyển biến hành động của mỗi người trong việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tại lễ phát động Tháng hành động vì Trẻ em năm 2017, các địa phương đều xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực. Chính vì thế mà việc tuyên truyền về cuộc thi được triển khai mạnh. Sau hơn 5 tháng phát động, tổng số bài dự thi tham gia vòng sơ khảo tại các đơn vị và địa phương là 63.528 bài thi. Các địa phương, đơn vị đã chấm chọn, gửi tham gia vòng chung khảo tại tỉnh là 1.193 bài thi.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em & bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) nhận xét, các đơn vị và địa phương đã tích cực hưởng ứng cuộc thi và vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia dự thi. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em được thực hiện kịp thời và rộng khắp. Nhiều địa phương tổ chức hưởng ứng tốt cuộc thi và trao giải cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao tại cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em cấp huyện như thị xã Điện Bàn, huyện Núi Thành, Phú Ninh, TP.Hội An và gửi bài dự thi có chất lượng cao tham gia vòng chung khảo. “Thông qua cuộc thi đã giúp cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nắm và hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật Trẻ em” - bà Hồng cho hay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Hồng cũng nhìn nhận một số sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tuy có kế hoạch hưởng ứng cuộc thi nhưng không có bài dự thi tham gia vòng chung khảo, một số đơn vị không tổ chức chấm vòng sơ khảo để chọn những bài chất lượng mà gửi toàn bộ về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh như huyện Nam Giang. Nhiều bài dự thi còn mang tính hình thức, chưa đầu tư và nghiên cứu, tìm hiểu sâu về Luật Trẻ em. Một số thí sinh sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung bài làm của mình; nội dung còn rời rạc, không trọng tâm.
Những góc nhìn đa dạng
Nhiều bài dự thi có sự đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó có bài dự thi được viết tay thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của người dự thi. Như bài thi của ông Nguyễn Thành Lê (Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh); Hồ Dương Liễu (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Núi Thành). Một số bài dự thi nêu lên được những quan điểm mới, hiến kế được nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh. Như tác giả Cao Thị Thanh Hương (Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Hiệp Đức) đã đưa ra giải pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, đó là phải đổi mới giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là ở bậc tiểu học, đưa nội dung giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em vào các buổi dạy của nhà trường. Bằng cách đó sẽ nâng cao nhận thức của trẻ em trong việc nhận diện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, giúp trẻ em tự bảo vệ mình. |
Qua việc chấm chọn ở cấp tỉnh, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được những bài dự thi từ thí sinh có độ tuổi 9 - 15. Các bài viết này dù chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi nhưng nhiều bài dự thi của trẻ em được viết tay với hình ảnh minh họa rất phong phú, như em Trần Thị Kim Huy Sim và em Trần Thị Xuân Giáng (đều sinh năm 2008, Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường, Hội An). Nhiều em người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh cũng tích cực tham gia cuộc thi... Đáng chú ý, bài thi của trẻ em đã nêu được các vấn đề mà lứa tuổi này quan tâm tại địa phương và gợi ý giải pháp phù hợp. Chẳng hạn như em Trương Thị Kim Hiền (sinh năm 2007, học sinh Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường, TP.Hội An) nêu lên vấn đề kỹ năng sống. Em Kim Hiền viết: “Trẻ em ở nước ta được biết thông minh, học giỏi. Tuy nhiên xét với một bộ phận không nhỏ hiện nay, ngoài điểm số cao, những kiến thức về cuộc sống xung quanh hầu như trẻ em không có. Bên cạnh đó các kỹ năng như sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức... trẻ em còn rất nhiều mặt hạn chế”. Từ đó, Kim Hiền đã đưa ra các giải pháp khắc phục: “Đối với gia đình, phụ huynh nên dành thời gian dạy bảo và chia sẻ với con, tạo cho trẻ thói quen sống tự lập. Đối với nhà trường, cần tổ chức hoạt động ngoại khóa, diễn đàn ở phạm vi lớp khối của mình. Ngoài ra nhà trường cần phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội cùng góp phần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em”.
Hoặc như em Nguyễn Vũ Hoàng (sinh năm 2005, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Đại Lộc) đã bày tỏ tâm tư của mình trước vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em: “Em cảm thấy lo lắng, lo cho những bạn nhỏ, những mầm non tương lai của đất nước, lẽ ra phải được bảo vệ, được chăm sóc toàn diện thì tại sao lại có trường hợp xâm hại tình dục trẻ em?” Do vậy đến với cuộc thi tìm hiểu Luật Trẻ em, Hoàng đã chọn đề tài “xâm hại tình dục trẻ em” để bày tỏ quan điểm. Hoàng đã đã đưa ra các giải pháp khắc phục như một kiến nghị của trẻ em đối với các ngành, cấp rằng: “Các thầy cô có thể lồng ghép kiến thức pháp luật về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em một cách sinh động, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi của chúng em, để chúng em có thể mạnh dạn đưa ra những câu hỏi, thắc mắc về giới tính để giáo viên giải đáp một cách rõ ràng”; “Cha mẹ phải hướng dẫn chúng em cách ngăn ngừa hành vi xâm hại, tự bảo vệ bản thân rằng cơ thể mình là tài sản vô giá không ai được phép đụng vào, khi phát hiện ai bị xâm hại cần báo cho cha mẹ biết”.
DIỄM LỆ