Nhìn về quê hương

MAI VĂN TƯ 01/05/2014 09:34

Dù ở bất kỳ nơi đâu thì những người con xứ Quảng vẫn luôn hướng về quê nhà và nuôi dưỡng tình nghĩa sâu nặng với nơi chôn nhau cắt rốn. Chính vì vậy mà bền bỉ trong những năm qua, nhiều Hội đồng hương Quảng Nam trên cả nước lần lượt ra đời, làm cầu nối mật thiết, nghĩa tình với quê hương…

Góp sức cho quê

Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh ra đời sớm nhất, từ những năm 1980. Ông Lê Ngọc Tống, nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hương luôn tự hào, chính vì sự bắt đầu này nên các ban liên lạc cấp tỉnh, cấp huyện, rồi đến cấp xã đã lần lượt ra đời, mở rộng về quy mô và luôn có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Theo ông Tống, các tổ chức đồng hương ở đâu cũng vậy đều cùng có chung một mục đích là vận động bà con đồng hương tương thân tương trợ trong cộng đồng, động viên nhau làm tốt nghĩa vụ công dân nơi sinh sống và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương.  

Phóng viên Đài PT-TH Quảng Nam ghi hình hoạt động của người Quảng xa quê tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: M.T
Phóng viên Đài PT-TH Quảng Nam ghi hình hoạt động của người Quảng xa quê tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: M.T

Các tổ chức hội không chỉ đóng vai trò là nhịp cầu mà còn là mái nhà chung ấm áp nghĩa tình của những người Quảng xa quê. Chúng tôi có dịp gặp bà Trịnh Thị Hương, nguyên Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Ong mật Phương Nam; ông Võ Quang Ba, một chủ doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh là những người con của Duy Xuyên. Khi hỏi về những hoạt động nghĩa tình với quê hương, họ cười và nói đó chỉ là một phần đóng góp nhỏ. Bà Trịnh Thị Hương tâm sự: “Tôi chỉ muốn đóng góp một ít sức mình vào công tác khuyến học của quê hương. Tôi làm vì thành tâm và luôn gắn bó, luôn nghĩ về quê hương, nơi đó anh em, bè bạn kẻ mất, người còn, nên tâm niệm phải làm một cái gì đó thôi”. Bà Hương góp vốn xây trường, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; ông Ba giúp đỡ bà con quê nhà Duy Xuyên vươn lên thoát khỏi đói nghèo từ nguồn hỗ trợ vốn vay, nuôi bò lai.

Báo Quảng Nam, từ nhiều năm nay vẫn duy trì các chuyên trang về “Người Quảng xa quê” và qua đó nhiều nhà báo, nhiều cây bút trên cả nước là cộng tác viên xa quê thường xuyên gửi bài vở cộng tác. Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam cũng đã thực hiện nhiều phim tài liệu chủ đề về Người Quảng xa quê tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An... để phát trên sóng truyền hình tỉnh nhà. Đây được xem như những “kênh thông tin” chính thống để gửi gắm, thổ lộ tình cảm với quê hương bản quán của những người xa xứ. Qua câu chuyện, nhiều bạn đọc xem truyền hình đã rất cảm kích trước những cố gắng của lãnh đạo báo, đài trong việc làm cầu nối giữa quê hương với người xa quê, thắp sáng những tấm lòng hướng về quê hương…

Không ít doanh nghiệp, doanh nhân Quảng Nam thành đạt nơi đất khách bằng chính sự lao động miệt mài, bây giờ dù giữ cương vị nào, thành đạt đến đâu họ đều luôn nghĩ và nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn bằng cái tâm thực sự. Ông Trần Châu Khanh, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh nói: “Mục đích chính trong hoạt động của hội đồng hương tỉnh, huyện, xã là nhằm vào các hoạt động từ thiện, hỗ trợ khuyến học, bảo trợ bệnh nhân nghèo, đền ơn đáp nghĩa và đặc biệt là quyên góp ủng hộ quê nhà mỗi lúc bão lũ, thiên tai”. Thông qua hoạt động, tổ chức hội đồng hương các cấp đã thắp sáng thêm ngọn lửa nhiệt tình, khơi mạch nguồn sâu nặng để mọi người cùng hướng về nguồn cội.  

Cho vơi nỗi nhớ nhà

“Vùng đất cao nguyên có rất nhiều người Quảng lập nghiệp đã trưởng thành trong chiến tranh, luôn phát huy bản chất tốt đẹp của quê hương trung dũng kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách, vươn lên trong cuộc sống kinh tế, đảm đương nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở… Họ đã đóng góp một phần công sức cùng đồng bào các dân tộc anh em đoàn kết, chung tay xây dựng Lâm Đồng ngày càng phát triển” (Nhà báo Hoàng Hận - Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng, thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Lâm Đồng)

Trong câu chuyện, ông Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), một cộng tác viên của Báo Quảng Nam luôn tự hào vì mình là người Quảng. Người Quảng Nam mang tiếng hay cãi, nhưng theo ông hay cãi vì là người có am hiểu. Chính điều đó đã tạo nên tính cách người Quảng Nam, không chỉ kiên cường, dám đấu tranh mà còn rất ham học hỏi. Ông nói: “Miền Nam với 2 mùa mưa nắng, có những buổi chiều mưa âm u, mà nhớ quê đến nao lòng…”. Trong một bài viết gửi về Quảng Nam, nhà thơ Sơn Thu tâm sự: “Đời còn nhiều tâm tình lay gọi, bao trăn trở tâm tư. Hoa quỳnh trắng trong vẫn thầm lặng nở về đêm, hướng dương bừng lên khoe sắc khi tỏa rạng ánh bình minh và tôi nguyện mãi mãi giữ  hồn mình với cốt cách quê hương tình sâu,  nghĩa nặng”. Ông Hoàng Yên Xuân, người quê thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ đất Quảng tại TP.Hồ Chí Minh thì mượn thơ để vơi nỗi nhớ nhà: “Tôi về đây giữa chốn quê/ Mênh mông nỗi nhớ tràn trề niềm thương/ Ngọt ngào hai tiếng quê hương/ Bao năm xa cách lòng vương vấn hoài”. Còn ông Hoàng Quy, người quê huyện Nông Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Cần Thơ trải nỗi nhớ nhà qua những trang viết gửi về khi ngồi bên dòng Xà No cuộn đỏ phù sa.

Nhiều anh em chúng tôi có dịp rong rủi những nẻo đường, có lần giữa miền Tây, trên dòng sông Hậu mà nghe giọng Quảng “đặc sệt”, sướng thật. Có gì hơn những lúc này… Nhớ hình ảnh ông Ngô Văn Hương, người quê ở thôn Thanh Vân, xã Đại Cường (Đại Lộc) bán vé số giữa Sài Gòn, thấy biển xe số 43, 92 là lại bắt chuyện, kể đã nuôi con cái học hành thành đạt như thế nào… Cái cảm giác tình quê lúc này dâng trào không chỉ với người xa quê mà cả với chúng tôi.

MAI VĂN TƯ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn về quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO