Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng cây cầu Cửa Đại cũng thành hình hài nối miền đất nghèo Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) với phố thị Hội An sầm uất. Trên chuyến đò vượt Cửa Đại, nhiều người ngoái nhìn cây cầu lừng lững với nhịp vừa hợp long như đang nối niềm vui đôi bờ…
|
Cầu Cửa Đại đưa vào hoạt động sẽ giúp người dân vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình thuận tiện hơn trong việc đi lại. Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
1. Một ngày tháng 9, trong cái nắng chói chang miền Trung, chúng tôi ghé lại công trường cầu Cửa Đại. Khác với vẻ ì ạch mấy năm trước, công trường nhộn nhịp cảnh công nhân, máy móc thi công nối hai bên bờ sông Thu Bồn cách trở. Bên này phố thị Hội An sầm uất, bên kia miền đất cát quê nghèo Duy Nghĩa, Duy Hải heo hút đã mấy chục năm qua.
Trên chuyến đò ngang chở đầy khách, xe cộ và hàng hóa, anh Nguyễn Bá Tùng (thôn 3, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cầm tay lái với bao nỗi ưu tư. Đã 15 năm lái đò ngang nối hai bờ Duy Nghĩa – Cẩm Thanh, anh Tùng chứng kiến bao nỗi vất vả vì cách trở của người dân xứ cát quê mình. Ai cũng mong có một cây cầu nối đôi bờ Thu Bồn để đỡ nhọc nhằn. Anh Tùng tâm sự: “Mấy tháng rồi, mỗi ngày hàng chục chuyến chở khách qua lại là mỗi ngày nỗi chờ mong lại ngắn đi. Cây cầu mơ ước của người dân quê tôi mong chờ bấy lâu đã trở thành hiện thực. Mỗi ngày qua lại, thấy cây cầu bê tông kiên cố khớp từng nhịp lại, tui mừng không kể xiết”. “Có cầu là anh thất nghiệp, sao lại vui?”, tôi hỏi. Anh Tùng cười để lộ hàm răng trắng muốt trên khuôn mặt cháy sạm: “Sao lại không vui? Có cầu rồi, con tôi đi học chẳng lo mưa hay bão, dân làng chẳng còn cảnh vừa đi đò vừa thấp thỏm lo âu. Không những thế, có cây cầu nối với Hội An, đất nghèo quê tôi sẽ có cơ hội đổi đời. Riêng tôi, nếu đò hết chạy thì tôi quay lại với nghề biển. Miễn là vợ con tôi đi lại an toàn là được”.
Không vui sao được khi mười mấy năm cầm lái con đò ngang tròng trành vượt sông trong nỗi lo của cả chủ đò và khách. Anh Tùng bảo, mùa nắng thì không sao, chứ mỗi lần vào mùa mưa, gió từ biển Cửa Đại thổi thốc vào, cửa sông Thu Bồn rộng thinh nhiều lúc nổi sóng cuồn cuộn, con đò máy của anh trở nên mỏng manh. Không những thế, là người lái đò, hơn ai hết anh hiểu được nỗi khổ của người dân, công nhân, học sinh… chen lấn lên đò cho kịp giờ. Chính vì vậy, cây cầu bắc qua Cửa Đại đã trở thành niềm mơ ước của người dân mấy chục năm qua.
2. Bước xuống đò trong cái nắng cháy da của miền Trung. Ghé vào quán nước ở bến đò gọi chai nước ướp lạnh, tôi hỏi chị chủ quán trẻ tuổi về cây cầu, chị vồn vã: “Dân tôi ai cũng trông chờ hết anh ơi. Cứ rảnh ra là dân lại ngồi ở đây nhìn công nhân, máy móc xây cầu. Cứ mỗi nhịp cầu được nối là dân tui bớt lo một chút. Nhưng tôi thì lo. Lo có cầu rồi tôi làm chi để nuôi con?”. Tôi chưa kịp nói gì, người đàn ông trung niên với nước da cháy nắng, đầu đội chiếc mũ cối, cự cãi: “Con nói chi lạ rứa? Có cây cầu dân đi lại an toàn. Có cầu rồi thì đi lại dễ dàng, buôn bán cũng dễ hơn. Rồi đất đai lên giá, rồi khu đô thị, khu du lịch mọc lên. Lúc đó mình có cơ thoát nghèo thôi”. Nói đoạn, ông chỉ tay về xã Cẩm Thanh phía bên kia sông: “Đó, như quê chú vậy đó. Hồi nớ Cẩm Thanh nghèo xác xơ vì đường sá không có. Chừ Hội An phát triển du lịch, đường sá rộng mở, khách du lịch nước ngoài ngày nào cũng xuống Cẩm Thanh tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, dân bám vào đó mà sống. Bên ni cũng vậy. Khi có cầu rồi thì du khách cũng qua đây, rồi dân cũng thoát nghèo khó thôi”. Cô chủ quán trẻ tuổi gật gù.
Hỏi ra mới biết, ông là Phạm Muôn (52 tuổi, trú xã Cẩm Thanh, TP.Hội An). Ông Muôn gắn cuộc đời mình với chiếc đò ngang nơi đây đã 17 năm. Trong 17 năm cầm lái đò ngang, ông thường xuyên chứng kiến nỗi vất vả lụy đò. Tranh nhau lên đò để kịp buổi chợ, để kịp giờ làm, kịp giờ đi học… đã gây bao nỗi muộn phiền cho dân nghèo. Ông Muôn nói: “Lái đò 17 năm ở đây, tôi hiểu con nước ở Cửa Đại ni lắm. Ngó thì hiền từ, đằm thắm như con gái rứa đó, nhưng không khéo là nó nhấn chìm liền. Đã rớt xuống đây thì ít ai mà sống nỗi vì sông rộng, nước sâu và lạnh nữa. Vì thế, mỗi ngày bước lên đò cầm lái chở khách qua lại lòng tôi trĩu nặng nỗi lo. Chừ có cây cầu, đi lại an toàn, đời sống người dân rồi bỗng chốc đổi thay thôi”.
Ông Diệp Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, cây cầu Cửa Đại là niềm mơ ước khôn nguôi của hàng ngàn hộ dân vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình. Có cầu, giao thông thông suốt, vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình sẽ thông thương với TP.Đà Nẵng, TP.Hội An. Lúc đó, vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình sẽ là điểm nối giữa hai thành phố lớn là Đà Nẵng, Hội An với Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) thông qua đường Thanh niên ven biển. Lúc đó sẽ mở ra cơ hội kinh tế lớn cho vùng đất cát quê nghèo này. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư dự án du lịch và khu đô thị sinh thái ở vùng đông Duy Xuyên và Thăng Bình nhưng chờ cây cầu hoàn thành mới triển khai. Vì vậy, cây cầu là nút thắt nay đã được mở.
NGUYÊN KHÔI