Dòng chảy cuộc sống thường có nhịp điệu đan xen điều mới - cũ, cái mới đôi khi rất cũ, ngược lại có thứ thì “cũ người mới ta”…
Áo quần cũ còn dùng được đem cho người khác là mới với họ.
Trường học mới xây nhưng treo cái bảng “tiên học lễ hậu học văn” là điều đã cũ.
Có những thứ cũ đã thành cổ, rất được trân quý như các di sản nhà cổ, đèn cổ, xe cổ, sách cổ… Lại có thứ cổ được tân trang rất dở khi còn nhiều hạt sạn.
Lan man vậy sẽ không hết chuyện, ở đây chỉ muốn suy tư vài điều về cái tưởng mới mà thực ra rất cũ. Ví như ở Hội An vừa rồi có câu chuyện được báo chí và dân mạng ngợi ca: trả lại túi tiền hơn 1,6 tỷ đồng cho người bỏ quên, hay hình ảnh các em học sinh dừng lại cúi đầu khi có đám tang đi qua. Thực ra đó là những điều mà người xưa đã dạy, nhưng những giá trị nhân văn không bao giờ cũ. Lớp người ở độ tuổi “xưa nay hiếm” từng biết cách ứng xử văn hóa được thể hiện trong bộ “Quốc văn giáo khoa thư”, hay ngẫm lại các giá trị từ “Cổ học tinh hoa”. Đọc đề án “Hội An – Nhân tình thuần hậu” cũng nhắc lại một số giá trị truyền thống và vận động mọi người thực hiện. Vậy cái mới là làm sao cho giá trị tốt đẹp cũ vẫn được duy trì, phổ biến thành nền nếp trong đời sống cộng đồng. Với phố Hội, đó cũng là công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, để làm nên cái hồn trong di sản vật thể.
Nhân đây góp thêm lời bàn về hồn tính của phố cổ là tính cách của cư dân. Có ý kiến rất đáng xem xét rằng “tính cách cư dân chính là “bộ gene” của thành phố, làm nên bản sắc một đô thị, lôi kéo người ta đến đây hoặc nhớ về nó, nói đến nó” (Hồng Lê). Soi rọi từ Hội An, hay bất cứ điểm du lịch trên thế giới được xem là “thân thiện”, hẳn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tính cách của cư dân mến khách, hào hiệp, chân tình. Nhưng cần nhớ, tính cách cư dân tạo ra nếp sống, lối sống văn minh hay dã man của vùng đất, được người ta tin yêu hay ghét bỏ và tính cách cũng tạo nên số phận - là hạnh phúc hay khổ đau. Và nữa, nếu “tiếng lành đồn xa” thì tiếng dữ, tiếng xấu lại có thể “đồn ba ngày đường”. Hiểu vậy để thấy nguyên cớ vì sao bất cứ hành động đẹp hay xấu ở Hội An đều lan nhanh, lan xa với cấp độ mạnh. Vì yêu, người ta sẵn sàng bầu chọn những danh hiệu đẹp, là thành phố thân thiện, thành phố quyến rũ, điểm đến hấp dẫn, chăm chú theo dõi những câu chuyện ứng xử văn hóa, kêu gọi chung tay gìn giữ và phát huy điều đã cũ mà vẫn còn giá trị cho đời sống đương đại. Nhưng nếu có những hình ảnh không đẹp (khỏa thân, chụp ảnh trên mái nhà cổ; dọa khách, giành khách; cướp giật; bôi xấu di sản, hay mới đây có vụ tạt sơn vào nhà hàng…), sẽ tạo ra ấn tượng xấu xí, lan xa, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Hội An. Mà “thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, tác động của sự thương/ghét là điều muôn năm cũ trong tâm lý con người, nên cần hết sức chú ý giữ gìn hình ảnh đẹp để người ta thương.
Vấn vương giá trị tốt đẹp cũ là một trong những thuộc tính của những ai trân quý di sản ký ức. Hiện đại, văn minh như người Thụy Sĩ nhưng người ta không quên mua lại những chiếc đầu máy hơn nước cổ do họ sản xuất mà người Pháp đem qua chạy trên tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt. Họ biết làm ra sản phẩm du lịch mới từ thứ rất cũ đó mà ở ta lại bỏ đi, thật tiếc! Bây giờ nghe nói có công ty muốn bỏ ra 10 nghìn tỷ để phục hồi tuyến đường sắt này nhưng e còn nhiều khó khăn.
Nhịp điệu mới - cũ thường vần vũ, đôi khi cái mới là lặp lại cái cũ nhưng mang đến giá trị không ngờ!