Không khí Tết Nguyên đán 2015 với đồng bào vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… trở nên rộn ràng hơn với không gian lễ hội truyền thống, cầu mong cho năm mới an vui, yên bình.
Tết làng
Truyền thống của đồng bào vùng cao chào đón năm mới thường được tổ chức bằng ngày hội làng với không gian văn hóa đa màu sắc. Phong tục đẹp này luôn được đồng bào gìn giữ từ rất lâu đời, mang ý nghĩa nhân văn và được xem như ngày tết chung của làng. Chào đón xuân Ất Mùi 2015, tại nhiều địa bàn miền núi ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… sôi nổi diễn ra ngày hội làng của đồng bào Cơ Tu trong lễ hội đâm trâu truyền thống.
Không khí vui tết chung của đồng bào Cơ Tu tại làng Bhơ Hôồng 1 với không gian lễ hội truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Làng văn hóa Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) những ngày cận Tết Nguyên đán rộn ràng với nhiều hoạt động. Trên con đường mới, dòng người đổ về chật kín sân gươl. Ai cũng háo hức, chờ đợi đến giây phút được chứng kiến già làng thực hiện các nghi thức trong ngày hội đâm trâu theo phong tục truyền thống. Nhịp điệu cồng chiêng cùng các vũ điệu tâng tung da dá càng khiến không gian vui xuân của đồng bào thêm rộn ràng, sôi nổi. Ông Bh’riu Đom - Trưởng thôn Bhơ Hôồng 1 cho biết, hằng năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán, đồng bào địa phương lại vui mừng tổ chức ngày hội làng chào đón năm mới. Hội làng, từ lâu luôn là dịp để đồng bào cùng nhau hội tụ, gặp gỡ đầu năm để cầu may, chúc phúc. Vì thế, đến với hội làng, đồng bào ai cũng chọn cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất cùng những vòng cườm, mã não được đeo kết hợp rất đẹp mắt. “Mỗi người đóng góp một thứ, từ tiền bạc, công sức cho đến bó củi, hột muối,… Ngày hội được xem như “tất niên chung” của làng, tạo không gian vui chơi, giúp đồng bào đón một cái tết thật nhiều niềm vui và may mắn” - ông Đom chia sẻ.
Ở các xã vùng biên Tây Giang, tết chung của đồng bào Cơ Tu trở thành phong tục đẹp cho tình đoàn kết của cộng đồng làng, tạo không gian vui xuân ý nghĩa, đầm ấm. Theo ông Pălăng Bưng - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang, truyền thống đón Tết Nguyên đán của đồng bào Cơ Tu không chỉ là những cuộc vui chơi, gặp gỡ mà còn là “điểm hẹn” của những lễ hội văn hóa, cầu an, cầu mùa. Bởi vậy, hằng năm bất kể làng nào của đồng bào Cơ Tu cũng có ngày tết chung với những nghi lễ văn hóa truyền thống để cầu may, chúc phúc. Cũng như nhiều làng, bản Cơ Tu khác ở Tây Giang, mừng xuân Ất Mùi 2015 làng Réh (xã Ch’Ơm) cũng tổ chức ngày tết chung trong hội đâm trâu truyền thống. Tết của làng Réh, năm nào cũng diễn ra bằng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, vui xuân ý nghĩa trong niềm háo hức của dân làng. Già làng Réh - ông Riah Đơơr cho hay, từ nguồn kinh phí hoạt động của dân làng, năm nay địa phương tiếp tục tổ chức vui xuân cùng lễ hội đâm trâu truyền thống. Ngày tết chung có ý nghĩa rất đặc biệt với đồng bào Cơ Tu, như một dịp tổng kết năm cũ, chào đón năm mới và ghi dấu mối tình gắn kết cộng đồng làng, cầu mong cho năm mới mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, con cháu no ấm.
Xuân an vui
Khắp các bản làng vùng cao, đâu đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ cùng các hoạt động vui xuân ý nghĩa. Không khí vui xuân của đồng bào luôn nổi bật với các cuộc vui chung của dân làng. Tạm gác mọi công việc thường nhật, họ đến chung vui bằng cả tấm lòng, niềm tự hào và tình nghĩa cộng đồng làng. Tết của đồng bào vùng cao thường đủ đầy các món ẩm thực truyền thống, sắc màu văn hóa làng và các phong tục truyền thống. Quan niệm “ăn tết” đã giúp đồng bào có không gian vui xuân ý nghĩa, trở thành nét riêng, mang đậm hương sắc buôn làng. Trong đó, tục biếu và chia phần cho nhau những xâu thịt (t’vir) trong cộng đồng làng, tạo sự gắn kết bền chặt giữa những người con núi rừng.
Dân làng Pà Ia (xã Ta Bhing, Nam Giang) đón một cái tết sớm yên vui hơn trong tiết trời mùa xuân. Ngày “tất niên chung” của làng là sự hội tụ niềm vui, các món ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao. Chị Pơloong Thị Bôi cho hay, tết của người miền núi không bao giờ thiếu các món ăn truyền thống với hương vị của núi rừng. “Ngày tết, người dân tập trung về gươl làng cùng ăn cơm lam, bánh sừng trâu; uống rượu cần, rượu tà vạt,… mừng năm mới mùa màng xanh tươi, dân làng no ấm” - chị Bôi cho biết. Con đường mới đã mở về bản làng vùng cao, góp thêm niềm vui năm mới cho đồng bào bản địa. Không còn tình cảnh lội sông gùi hàng tết hay ăn “tết riêng” như nhiều năm trước, các thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây), K’đắp (Arooih), Aduông 2 (thị trấn P’rao, Đông Giang),… giờ đã có thể kết nối với thế giới bên ngoài bằng những con đường nông thôn mới, cầu bê tông vững chắc. Cái tết đã thực sự an vui với đồng bào, hòa cùng dòng chảy hiện đại bên những công trình mới, đảm bảo cuộc sống dân sinh. Theo ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn có tết chung của làng trước khi đón tết theo từng gia đình. Bởi vậy, nhằm giúp đồng bào có thêm điều kiện ăn tết, năm nay huyện chủ trương cấp kinh phí hỗ trợ mỗi thôn 2 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được đưa về trước Tết Nguyên đán 2015 để đồng bào mua heo, tổ chức ăn chung trong cộng đồng làng theo phong tục truyền thống.
Ngày tết, người vùng cao dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu mong năm mới yên vui bên hội làng cầu may, chúc phúc.
ALĂNG NGƯỚC