Cơn lũ vừa rút khỏi, cha tôi lại tất tả quanh vườn, vạch từng lùm cây, bụi rậm còn ướt nhẹt bùn non. Vô, rồi ra, cứ thế, ngồi đứng không yên, cha tôi lại lùng quanh bờ giậu sau, trước, ngửa mặt nom các cành cây oằn nặng bởi rác rều. Hết vườn nhà này sang vườn nhà nọ, cha tôi xắn quần mà lội, lội đến vã mồ hôi hột nhưng tấm thân cằn cỗi chưa muốn từ bỏ cuộc tìm. Cha tôi tìm cái gì vậy? Trời ạ!... - Chiếc guốc. Chỉ một chiếc thôi nhé, của mẹ tôi, trong số những đôi guốc mộc thời “xa xửa, xa xưa” ấy!
Chợt, tôi lại nghĩ đến những đôi guốc mộc. Thứ vật dụng vô cùng thân thuộc kia, không hiểu vì sao nó như thuộc về tôi, như những gì thật vẹn nguyên và bền vững. Tuy không thuộc lớp “những người muôn năm cũ”, nhưng tôi còn nhớ một thời chưa xa, trên mỗi con đường trong những sớm mai, chiều tà còn rộn ràng lanh canh tiếng guốc. Nào, các bà, các dì hàng rong, kẽo kẹt trên vai quang gánh đậu hũ, bánh bèo, hay bún chả, xôi đậu, có khi chè chén chè đùm… Các hình ảnh ấy trông thật mộc mạc và đã thật sự bện chặt với ký ức tuổi thơ tôi nơi miền quê đói nghèo, lam lũ. Và, như thể nhịp phách đệm cùng với giọng rao đẫm chất quê mùa của họ là tiếng guốc cứ đều đều vang lên qua các hẻm sâu, xóm nhỏ… Nào, mồng một, ngày rằm, các bà các cô xây mâm lễ lên chùa. Kèm với chiếc áo dài màu khói hương trang nghiêm, thì đôi guốc mộc đã làm tăng thêm vẻ đẹp vô cùng thanh bần và thành kính. Nữa, những ngày tết nhứt, lệ làng, đình đám… tiếng guốc nghe ra hối hả, dường gác lại mọi nhọc nhằn, âu lo của nhiều bà mẹ quê suốt một đời áo cơm tần tảo. Nào, còn phải kể đến cái thuở “màu áo trinh nguyên”; tôi làm sao quên được những cơn mưa bất chợt đuổi theo tiếng guốc trên sân trường vào trong cửa lớp. Và rồi nhịp guốc ai đó trong muôn ngàn tiếng guốc cứ khẽ khàng rơi, cứ bồi hồi, rạo rực trong tôi… Rất và rất nhiều những hình ảnh thật gợi và đẹp từ đôi guốc mộc. Tuy guốc mộc vốn không nhiều kiểu dáng, hình thức có khi khá đơn giản và thô như vốn cái tên đã gọi, nhưng những bước chân thăng trầm của biết bao nhiêu thế hệ đã qua, đã đi vào chiều sâu văn hóa của dân tộc.
Bây giờ cơn lũ mốt thời trang ào ạt ngập tràn đến chóng mặt, và từng giờ từng phút càng dâng lên, đổi khác. Dẫu biết sự dâng lên của ngọn triều thời đại là tất yếu, nhưng sao vẫn quý, vẫn thương những đôi guốc dần dần bị xô dạt vào quá khứ, rồi đến một ngày nào đó có còn chăng thì cũng bồng bềnh trong hoài niệm. Những “tiếng guốc vẫn hồn nhiên huyên náo”, những “chiều nghiêng guốc khua nhịp kiêu sa”. Những guốc mộc từng gắn với “gót son, gót hồng dịu dàng xoay giữa khung trời”, từng nâng “bước chân mềm mại đã đi vào đời người”… Tất cả cũng nhường lại những dáng bộ mà bao giờ cũng hực lên cảm giác: sành điệu, ngầu đời, tốc độ… đang nhảy nhót, đi đứng trên những đôi dép, đôi giày hàng xịn, mẫu mã không ngừng đổi thay của vô số hãng tây, tàu và có cả ta sản xuất.
Cũng giống cha tôi, cực thay, tôi tìm…, để rồi lại nhặt câu thơ: “Guốc ai gõ nhịp tim mình thót đau”.
ĐỖ THƯỢNG THẾ