Ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp cảm xúc của các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XX năm 2015 tại Quảng Nam khiến người xem mãn nhãn…
Đã có 197 tác phẩm của 180 tác giả thuộc 9 tỉnh thành khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên trưng bày đợt này. Những tác phẩm được đánh giá cao cả về mặt nghệ thuật lẫn cảm xúc. Đặc biệt, nhịp sống đương đại được lồng ghép khéo léo trong các tác phẩm của những tác giả trẻ, được kỳ vọng là diện mạo của mỹ thuật trong tương lai.
Cuộc hội ngộ lý thú
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ, triển lãm lần này là ngày hội của các nghệ sĩ tạo hình, điêu khắc, hội họa gặp nhau, giới thiệu những tác phẩm mới với công chúng và cũng chính là dịp để họ trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đưa mỹ thuật khu vực lên một tầm mới. “Quảng Nam không còn chỉ là tỉnh anh hùng trong chiến trận, mà còn hứa hẹn là một địa điểm hội ngộ nghệ thuật trong tương lai. Không gian nghệ thuật mới mang nhịp sống đương đại mà các tác giả đem lại tại triển lãm lần này là một minh chứng” - ông nói. Các nghệ sĩ của 9 tỉnh thành khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên đã làm nên ngày hội nghệ thuật với vùng đất xứ Quảng. Từ những tác phẩm tranh sơn dầu, sơn mài, tranh khắc gỗ đến các tác phẩm đất nung, phù điêu, tượng acrylic…, mỗi tác phẩm là một thông điệp nghệ thuật mà các tác giả muốn gửi gắm đến công chúng.
Triển lãm thu hút khá đông người xem. |
Sáng tác trong khoảng thời gian 1 năm, từ tháng 6.2014 đến tháng 6.2015, triển lãm đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên sau 19 lần tổ chức. Sự đa dạng về chất liệu và ngôn ngữ nghệ thuật đã làm nên sức hút đối với triển lãm lần này tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Các tác phẩm tham gia triển lãm lần này thể hiện sự phong phú về đề tài, hình thức thể hiện, đa dạng về phong cách cũng như chất liệu. Đây là cuộc hội ngộ của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các nghệ sĩ trên vùng đất Nam miền Trung và Tây Nguyên có bề dày lịch sử và văn hóa. Triển lãm cũng mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi cho các văn nghệ sĩ tỉnh nhà, đồng thời phục vụ cho công chúng yêu nghệ thuật của Quảng Nam nói chung và thành phố Tam Kỳ nói riêng”. Trong số 197 tác phẩm trưng bày, có 77 tác phẩm của 60 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, 120 tác phẩm còn lại là của các hội viên thuộc Hội VHNT của 9 tỉnh thành. Đa số vẫn là các tác giả trẻ với những tác phẩm táo bạo, làm nên sự thích thú với người thưởng lãm.
Nguyễn Văn Huy và “Hiệu ứng cúi” - giải A của Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: S.A |
Những thể nghiệm đầy sáng tạo
Tại buổi khai mạc, Ban tổ chức đã trao 5 kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam cho các đại biểu của tỉnh Quảng Nam, gồm ông Bhriu Liếc - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang; ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chín - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL; ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Hội đồng nghệ thuật cũng đã xét tặng 7 giải thưởng, gồm 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 4 giải khuyến khích. Giải A thuộc về Nguyễn Văn Huy (Quảng Nam) với tác phẩm “Hiệu ứng cúi” bằng chất liệu tổng hợp. Giải B thuộc về tác phẩm “Chân dung Mẹ Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Thị Tú Quyên (Kon Tum) với chất liệu sơn dầu. Giải C thuộc về tác phẩm “Mùa cá chuồn”, tranh sơn dầu của tác giả Trần Quyết Thắng (Phú Yên). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật còn xét chọn 17 tác phẩm dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam và chọn 8 tác phẩm được nhận hỗ trợ sáng tác của Hội VHNT năm 2015. |
“Hiệu ứng cúi” - tác phẩm sử dụng chất liệu tổng hợp trên nền tảng điêu khắc, khiến cái tên Nguyễn Văn Huy một lần nữa được xướng lên ở hạng mục giải A của triển lãm. Khá thích thú từ tư tưởng lẫn cách thể hiện, Nguyễn Văn Huy đã thuyết phục từ Hội đồng nghệ thuật đến cả người quan chiêm tại triển lãm. Rất nhiều bạn trẻ, kể cả lớp người trung niên, đều như thấy “mình mỗi ngày” qua tác phẩm của Huy. Chọn một chủ đề tưởng đơn giản, nhưng lại đang trở thành đề tài của xã hội - công nghệ và hiệu ứng của nó đối với mỗi người, Huy chuyển tải tròn vẹn điều mình muốn nói. “Một lần dự cuộc hội ngộ của nhóm bạn ở Tam Kỳ, sau vài câu chuyện cùng nhau, thì mỗi người lại cúi mặt vào điện thoại, thiết bị công nghệ của mình. Từ đây, mình nảy sinh ra ý tưởng làm bộ tượng “hiệu ứng cúi”. Cũng không loại trừ việc lâu nay chuyện công nghệ và những phụ thuộc của hành vi con người vào nó đã khiến mình hình dung đến tác phẩm này” - Nguyễn Văn Huy chia sẻ. Không chọn thế mạnh là tượng chân dung như những đợt triển lãm trước, lần này, Huy chọn chủ đề xã hội với một thông điệp khá lý thú, cộng thêm tài điêu khắc điêu luyện, tác phẩm của anh xuất sắc chiếm trọn cảm tình của mọi người.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, các tác phẩm về biển đảo chiếm số lượng khá nhiều. Thêm vào đó, những tác phẩm thể hiện các đề tài nóng của xã hội cũng được tác giả đưa vào tác phẩm của mình. “Đây là cái nhìn hằng ngày, rung cảm hằng ngày, với vùng trời vùng đất, bất cứ nơi nào trên đất nước này đều là hồn cốt. Từ những tác giả sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao, hay những tác giả còn hạn chế về khả năng… nhưng tất cả đều đã mang cảm xúc của mình vào tác phẩm và gửi đến công chúng. Những thế hệ nghệ sĩ đi trước, đang và đến sau, có thể qua những tác phẩm lần này, suy ngẫm để tiếp tục phát triển. Sẽ có những tác giả mang đến đỉnh cao mới cho nền mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Tôi tin như vậy” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ. |
Quảng Nam lần này được các thành viên của Hội đồng nghệ thuật Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên đánh giá cao về chất lượng các tác phẩm tham dự. Những người trẻ đã có nhiều thể nghiệm cho tác phẩm của mình, và nhận được những tín hiệu tốt từ các thế hệ nghệ sĩ đàn anh cũng như các cấp chuyên môn. Trầm Thị Trạch Oanh là một trong những gương mặt trẻ đầy triển vọng của mỹ thuật Quảng Nam trong tương lai. Với tác phẩm “Âm vang sóng biển”, được làm theo kiểu “book-art”, Oanh khiến người xem thích thú khi nhìn từng lớp giấy được gấp vào nhau, bên trong là những cơn sóng biển được xử lý bằng kỹ thuật đồ họa. Trạch Oanh vừa tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho biết đây là lần thứ 2 mình tham gia triển lãm với các mô hình book-art. Khá nhiều những sáng tạo của các nghệ sĩ tạo hình được mang đến triển lãm, làm dày dặn thêm không gian nghệ thuật tại đây. Như Đoàn Phi Hổ (Đà Nẵng) với một tác phẩm sáp dầu cạo; Trần Thị Ngọc Hà (Phú Yên) với tranh dán giấy; Đoàn Xuân Hùng với không gian sắp đặt 21 con “bù nhìn” được làm bằng gốm men, Huỳnh Thị Thắng (Đà Nẵng) với một tác phẩm khắc mica khổ lớn...
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 27.8 tại Bảo tàng Quảng Nam. Hai mươi năm kéo dài một sân chơi khu vực là nỗ lực lớn của những nghệ sĩ tạo hình, hội họa, điêu khắc. Hy vọng từ sân chơi này sẽ khởi nguồn, làm dày dặn thêm mạch sáng tạo nghệ thuật của các tác giả Quảng Nam.
SONG ANH