(QNO) - Nhịp thời gian của tác giả Phan Văn Tri - Đại tá, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam xuất bản tháng 5.2018. Thơ là đôi cánh nâng tâm hồn con người bay lên trong sự thăng hoa hướng đến chân, thiện, mỹ. Nhịp thời gian là tiếng hát tâm hồn nồng nàn, da diết của người thơ Phan Văn Tri dành cho đời, cho quê hương; là niềm yêu thắm thiết dành cho gia đình, bạn bè.
Bìa tập thơ Nhịp thời gian của tác giả Phan Văn Tri. Ảnh: H.T.H |
Nhịp thời gian không quyến dụ, mê đắm lòng người bởi sự mới mẻ của thi pháp, hay sự phiêu lưu của nghệ thuật ngôn từ, mà gieo vào lòng người đọc bằng những ý thơ mộc mạc, những xúc cảm mênh mông, những suy tư lắng đọng.
Tác giả đã đến với thi ca bằng một lòng yêu chân thật, bằng niềm đam mê vô tận. Nhan đề thi phẩm kiến tạo thông điệp đây chính là nhịp đập, là tiếng nói của con tim trước sự chảy trôi, một đi không lặp lại của thời gian: "Thời gian đi không bao giờ trở lại/ Ta lớn khôn bươn chải với đời/ Đua thời gian để trải mình vươn tới/ Đã từng lần tìm lại những dấu chân/ Thời gian đi như vô thức vô thần/ Người muốn qua mau người mong chậm lại".
Ý thức về sự hữu hạn của kiếp người trước sự vô tận của thời gian, người thơ có khát vọng muốn sống một đời hữu ích, đầy lý tưởng và mong muốn níu lại thời gian bằng việc tạo nên những giá trị cho từng hành động sống. Đọc thơ anh người ta muốn sống hữu ích hơn, muốn tận hiến cho đời hồn nhiên hơn, cho đi mà không cần nhận lại.
Thi hứng của Nhịp thời gian bắt nguồn từ những tình cảm thiêng liêng trân quý về cha mẹ. Tình mẫu tử, phụ tử trong thi phẩm là cội nguồn nuôi dưỡng hồn thơ qua các bài như Tình cha, Nghĩa mẹ, Cha viếng mộ cha, Ngày giỗ cha mẹ, hay như Khóc cha, khóc mẹ.
Cái tôi trong thơ không chỉ dừng lại ở tâm trạng, tấm lòng của một người con hiếu thảo mà còn là một người chồng đầy trách nhiệm, yêu vợ vô cùng. Có lẽ anh cũng là nhà thơ có nhiều bài thơ viết cho vợ hiền, người đã cùng chung sức đồng lòng, cùng cam cộng khổ để cho anh yên tâm công tác, cống hiến.
Cái tôi ấy cũng đầy suy tư và chiêm nghiệm về đời và nghề. Những thi phẩm Dậu mồng tơi, Viên gạch hồng, Hoa ơi... xác tín về thái độ sống tận hiến. Không đơn thuần chỉ là câu chuyện về dậu mồng tơi hay viên gạch mà đó còn là câu chuyện về nghệ thuật dùng người, về thân phận con người. Chúng ta không có quyền chọn những việc nhẹ nhàng nên dù ở vị trí nào, hãy luôn nghĩ đến sự nghiệp chung mà hy sinh và phấn đấu để lưu danh thơm đến muôn đời: "Ví nghèo như rách mồng tơi/ Lo thân giữ phận một đời sống vinh/ Chuyện mồng tơi gởi chút tình/ Hạnh phúc là được cho mình mồng tơi".
Những thi phẩm của anh đã kiến tạo được hình tượng người chiến sĩ công an một lòng vì nước vì dân như: Nữ cảnh sát điều tra, Người lính tham mưu, Bài ca công an Phú Ninh, Đêm cuối. Hình tượng người chiến sĩ công an trở nên thân thương và gần gũi, kiên cường, quả cảm, đầy ý chí: "Cho nhân dân vì cuộc sống mến thương/ Cho trẻ thơ vui mãi đến trường/ Cho đất nước yên bình mà giàu đẹp/ Anh thấy đó hồn nhiên mà gang thép".
Không những thế, cái tôi ấy còn khắc khoải với những hoài niệm, những nỗi niềm về thiên chức của nghệ thuật: "Ôi người họa sĩ vẽ lửa dấu tên/ Chằng phải bằng tay bằng cọ - bằng tim/ Đời mãi thêm tuyệt mĩ những bức tranh/ Rực cháy bùng lên bao nguồn tia sáng/ Để làm nên những giá trị tuyệt tác/ Thiêu rụi đi những đố kị vô hồn".
Ta bắt gặp đâu đó những câu thơ đẹp, đầy nghệ thuật như: "Nghiêng trời đổ nước suối mừng reo vang/ Trăng non lên lưu luyến những mùa yêu".
Có thể minh định rằng với Phan Văn Tri, thơ không chỉ là sự say mê, là niềm yêu mà còn là nơi chốn bình yên để anh đi về trong cõi nhân gian cũng không ít muộn phiền. Thơ còn là người bạn nâng đỡ tâm hồn anh. Ngoài ra, thơ là cách để anh tôi luyện mình, làm thơ để răn mình và nhắn nhủ với người.
Thơ là tiếng nói tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu. Nhịp thời gian là tiếng lòng tha thiết yêu đời, yêu nghề, yêu người của người thơ Phan Văn Tri. Thi phẩm là sự hòa quyện của nhiều cảm xúc và suy niệm. Người thơ đã mong mình là một bông hoa dại bé nhỏ khiêm nhường để góp cho vườn hoa đời thêm sắc hương.
HUỲNH THU HẬU