(QNO) - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi xa vào ngày 29.6.2016, đến nay là tròn 6 năm, nhưng những kỷ niệm với ông trong tôi như vẫn còn nguyên vẹn.
Hồi những năm cuối thập niên 1980, khi chúng tôi đưa tạp chí Đất Quảng vào in và phát hành tại TP.HCM, tôi thường đến thăm ông tại ngôi nhà trong con hẻm đường Hòa Hảo. Và lúc nào cũng vậy, sau khi hỏi han tôi đã cơm nước gì chưa, thì ông đưa tôi lên căn gác riêng ngồi uống trà và đàm đạo, từ chuyện quê, chuyện nghề và cả chuyện tiếu lâm…
Tôi gọi ông bằng chú, nhưng ông không cho mà bắt phải gọi bằng anh! Ông còn kể nhạc sĩ Thanh Tùng thường phải gọi ông là “anh Bảy” thì ông mới ưng cái bụng. “Xung hô như vậy để mình với các bạn gần gũi hơn mà mình cũng… bớt già đi!” - ông thường nói vui như vậy!
Tôi đến chỗ ông khá thường xuyên vào thời gian ấy và thường được ông gởi thiệp chúc tết với vài khuôn nhạc nắn nót bằng bút mực và những dòng thăm hỏi, tuy ngắn gọn nhưng tha thiết. Lúc ngồi chuyện trò, hỏi gì ông cũng kể và chia sẻ nhiều chuyện trong nghề sáng tác. Chẳng hạn, ông nói thường bắt đầu một ca khúc bằng chính cây đàn mandolin bất ly thân của mình trong hơn 70 năm sáng tác. Cây mandolin ấy theo ông từ quê nhà Đà Nẵng trước kháng chiến rồi những năm kháng Pháp ở Liên khu 5 cho đến khi tập kết ra Bắc rồi về lại Sài Gòn… Sau khi bài hát hoàn thành thì các con ông tổ chức hòa âm, phối khí bằng các nhạc cụ khác trước khi phổ biến ra công chúng…
Riêng những ca khúc nổi tiếng mà ông phổ nhạc là những bài thơ ông tâm đắc như của Dương Hương Ly, Xuân Quỳnh, Ngọc Anh… thì ông nói trước hết mình phải thật thích, thật rung cảm cái đã. Khi đã nghiền ngẫm, tìm hiểu hết những gì các nhà thơ muốn gởi gắm rồi mới nghĩ đến chuyện phổ nhạc.
“Giữa thơ và nhạc vốn có những quan hệ anh em nào đó. Mà mình thì rất mê thơ, đọc nhiều thơ, thuộc nhiều thơ từ tiền chiến đến đương đại. Cũng tiết lộ với bạn là hồi trẻ mình có làm thơ tình để tặng người yêu nữa đó! Bữa nào tiện sẽ chép tặng bạn…” - ông vui vẻ kể. Với Phan Huỳnh Điểu, ông không cho rằng ông có tài phổ thơ, mà khiêm tốn cho rằng ngày nay phương tiện phổ biến âm nhạc với công chúng thuận tiện hơn trước nên nhiều bài hát được lan rộng…
Với quê hương Đà Nẵng, nhiều hôm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trải lòng:
“Đó là nơi mình sinh ra, mình lớn lên và tham gia kháng chiến từ rất sớm. Quảng Nam quê mình là là nơi giao hòa của nhiều nền văn hóa nên có những nét đặc thù phong phú. Hò khoan là một ví dụ và sẽ rất bổ ích nếu có một công trình nghiên cứu đầy đủ về loại hình nghệ thuật này. Dân ca nữa, nếu có những ghi chép tỉ mỉ như Lư Nhất Vũ và Lê Giang đã làm với Nam Bộ thì nên khuyến khích và đầu tư. Tuồng cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu mới…”. Nhạc sĩ nói rằng người già thì hao hụt dần, trong lúc anh em trẻ thì bận lo cơm áo, nên về mặt học thuật cần có các nghiên cứu và đầu tư thỏa đáng về cả xây dựng lực lượng đến hỗ trợ về vật chất theo hướng đổi mới. Cái mới luôn hợp lòng dân và cái mới trong văn học nghệ thuật càng có ý nghĩa…
Sinh thời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất yêu quý nhà văn Nguyễn Văn Xuân và giáo sư Hoàng Châu Ký. Ông kể rằng cả ba cũng là người đồng thời tham gia kháng chiến, lại cùng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ông Xuân viết văn nhưng diễn kịch hay lắm. Lại có tài kể chuyện. “Ổng kể chuyện Xuân Thu, chiến quốc, tiếu lâm ai cũng mê. Ông Ký thì làm chính quyền nhưng rất giỏi về tuồng vì gia đình có truyền thống. Ông Ký nhớ tuồng không sai một chi tiết và rất coi trọng văn trong tuồng…
Bây giờ, năm 2021, cả ba cây đại thụ trong văn, sử; trong tuồng và trong âm nhạc của Quảng Nam đều đã là người của muôn năm cũ. Nhân kỷ niệm 6 năm ngày nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra đi, người viết lại chạnh lòng, lại nuối tiếc là đã không ghi chép được nhiều tư liệu và hình ảnh về họ. Thời gian cứ trôi đi cuốn theo bao lớp người tài hoa và nhiệt thành của quê hương. Họ và tác phẩm của họ chính là di sản thời cận đại của quê hương Quảng Nam chúng ta. Chắc chắn khi ra đi họ cũng cùng mong ước sẽ có lớp hậu sinh kế nghiệp!
Trong niềm nhớ ấy, tôi vẫn thấy mồn một nụ cười và cách nói chuyện hóm hỉnh của “anh Bảy” Phan Huỳnh Điểu. Với anh, cuộc đời vẫn đẹp vì “chỉ có thuyền mới biết, biển mênh mông dường nào…”. Biển tình và biển đời trong các nhạc phẩm của ông, vẫn khiến ta yêu nhớ!