Bùi Tự Lực và tôi quen nhau sau ngày tái lập tỉnh Quảng Nam. Bởi trước đó anh là “dân kinh tế”, công tác ở ngành kho bạc nhà nước, hoàn toàn không dính dáng gì đến văn chương chữ nghĩa.
Khi thân nhau, Bùi Tự Lực cười bảo với tôi: “Kết giao với anh em văn nghệ sĩ, cuối chiều tụ bạ ở các quán nhậu bình dân, tao tình cờ gặp nhà thơ Nguyễn Kim Huy và nhà thơ Thanh Quế. Nghe tao đọc thơ, ông Thanh Quế trố mắt ngạc nhiên. Ổng hỏi thơ ai? Tao bảo thơ tao. Ổng khen được đó và động viên tao tiếp tục sáng tác. Rồi ổng đọc giùm bản thảo thơ tao. Tập thơ “Mùa hoa bưởi” (NXB Đà Nẵng - 1999) của tao được trình làng. Từ đó, tao trở thành văn nghệ sĩ”. Anh cười.
Rồi anh bảo với tôi, anh viết văn cũng là nhờ nhà thơ Thanh Quế động viên khích lệ. “Ổng nghe tao kể chuyện về bà nội, về gia đình, cứ giục viết đi. Tập truyện vừa “Nội tôi” (NXB Kim Đồng - 2001) của tao ra mắt bạn đọc tuổi nhỏ và đoạt giải B Cuộc vận động sáng tác truyện, tranh thiếu nhi của NXB Kim Đồng”. Năm 2003, Bùi Tự Lực được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Ham sáng tác nhưng Bùi Tự Lực cũng là người ham chơi. Anh thích rượu bia. Chân thành với bạn bè. Vì thế Bùi Tự Lực luôn được bạn bè thương yêu quý mến. Còn nhớ, khi Báo Quảng Nam tổ chức cuộc thi truyện ngắn, tôi đề xuất với Tổng Biên tập mời anh cùng với nhà thơ Thanh Quế và nhà lý luận phê bình văn học Phạm Phú Phong tham gia Ban Giám khảo cuộc thi. Tuy thời gian gấp gáp nhưng anh vẫn nhận lời, đọc và có nhận xét kỹ càng từng tác phẩm đã qua vòng sơ khảo. Buổi tổng kết và trao giải, anh và nhà thơ Thanh Quế vào Quảng Nam chia vui với anh em. Trưa, kéo nhau ra quán An Hà. Bù khú với nhau, anh kể lắm chuyện vui tếu táo khiến ai cũng không nhịn được cười.
Bẵng đi một thời gian, bất ngờ anh gọi điện cho tôi, bảo rảnh lên quán cà phê đầu đường Trần Quý Cáp - Tam Kỳ gặp nhau một tý. Tôi chạy xe lên. Anh kể cho tôi nghe về cuốn tiểu thuyết “Chó hoang” mà anh dự định viết. Rồi anh bảo: “Ông Thanh Quế giục tao viết nhanh. Hường Lý ở NXB Kim Đồng cũng hối thúc hoài. Nhưng tao phải nghĩ cho thật kỹ để khi viết là viết một lèo không ngắc ngứ”.
Tôi cứ đinh ninh “Chó hoang” sẽ còn lâu mới ra mắt bạn đọc bởi Bùi Tự Lực là người ham vui. Nào ngờ một buổi trưa sau đó chừng hơn năm, anh gọi điện cho tôi bảo vừa mới vào Tam Kỳ. Tôi chạy xe đến. Anh đi xe con, có bà xã đi cùng. Anh em kéo nhau vào quán ăn trưa. Anh lôi từ túi xách ra tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Chó hoang” vừa mới ra lò. Ba anh em ngồi hàn huyên, bà xã anh cho tôi hay, anh vẽ đẹp lắm. Nghe vậy, anh bảo tao có năng khiếu hội họa bẩm sinh, vẽ ngon lành. Chừ già rồi, nếu không, tao theo điếu đóm cho thằng An (họa sĩ Phan Tuy An, con trai nhà thơ Thanh Quế) học cách pha màu là vẽ vô tư.
Rồi sẵn vui anh kể về những dự định của mình, về quê hương Bình Trị - Thăng Bình của anh. Ở đó có bao người thời chiến tranh đóng góp sức người sức của cho cách mạng, bây giờ cuộc sống của họ vẫn còn khốn khó trăm bề. Anh ngồi im lặng như thấy mình có lỗi với xóm giềng quê hương. “Tao có nhiều cái để viết, rất tiếc là sức đã tàn lực đã tận. Đó là bi kịch của người cầm bút, đúng không Nguyễn Tam Mỹ?”. Anh cười hỏi.
Tôi không ngờ giữa ngày vui kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất nước nhà, Bùi Tự Lực lại lặng lẽ ra đi… Đường đột. Bất ngờ. Nhớ anh, tiếc thương anh, xin viết những dòng này như một nén tâm nhang. Bùi Tự Lực ơi! Cầu mong anh ở một “khung trời khác” an vui cùng với bao bạn bè thân thiết…