(QNO) - Thương binh nặng Nguyễn Phụng vốn là tù nhân chính trị của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm từ năm 1956 đến năm 1763. Sau nhiều năm nằm gai nếm mật trong nhà tù Mỹ - ngụy, đồng chí Nguyễn Phụng về làm Trưởng Ban Kinh tế xã Kỳ Thọ, huyện Bắc Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Thái huyện Phú Ninh).
Cuối năm 1967, đồng chí Nguyễn Phụng bị thương nặng trong lúc đang làm nhiệm vụ ở cơ sở. Dân công đưa ông vào bệnh xá Bắc Tam Kỳ trong trạng thái hôn mê sâu, ai cũng nghĩ là không thể qua nổi. Không ngờ chỉ sau hai tháng điều trị tại đây, các vết thương thủng phổi, thủng bụng… của ông lại lành lặn. Khi sức khỏe tương đối ổn định thì TB Nguyễn Phụng được cấp trên giao nhiệm vụ ở lại làm cán bộ quản lý của bệnh xá. Tuy biết công việc quản lý tài chính của một bệnh xá phía trước tại thời điểm này là vô cùng nặng nề và khó khăn, nhưng thương binh Nguyễn Phụng không chút đắn đo ngần ngại. Giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất 1968 - 1975, là quãng đời dài dằn dặt mà thương binh Nguyễn Phụng phải đi qua và phải chiến thắng bằng tất cả nghị lực phi thường của một chiến sĩ cách mạng.
Là người cán bộ quản lý vô cùng thật thà, không vụ lợi cá nhân và tràn đầy tình thương yêu, thương binh Nguyễn Phụng hết lòng chăm lo “cơm - áo - gạo - tiền” cho cả đơn vị. Từ lao động sản xuất tự túc cho đến việc đi khắp nơi xa gần để mua sắm, gùi cõng mọi thứ cần thiết cho đời sống của cả bệnh xá (có khi lên đến trên 200 người); lúc nào, ở đâu đồng chí cũng là người "đứng mũi, chịu sào". Nhiều chuyến, Nguyễn Phụng dẫn đầu các đoàn cán bộ về vùng Đông, xuống vùng giáp ranh thậm chí phải đi vào vùng địch mua băng gạc, thuốc men, lương thực, thực phẩm… bị địch phục kích, bị máy bay Mỹ phát hiện ném bom, bắn pháo, một số đồng chí đã hy sinh trên đường công tác. Bao phen đồng chí Phụng đã cùng anh chị em băng qua lửa đạn để đổi lấy sự sống cho mọi người. Gian khổ, ác liệt không làm chùn bước người cán bộ quản lý lớn tuổi nhưng giàu đức hy sinh vì đại nghĩa.
Là người chuẩn mực về đạo đức, lành mạnh trong lối sống, nghiêm túc trong công việc nhưng TB Nguyễn Phụng lại rất gần gũi, gắn bó với quần chúng, nhân dân. Ông biết tạo ra niềm vui trong lao động một cách tự nhiên, hài hước. Trên đường công tác cùng đồng đội, chưa bao giờ đồng chí Phụng để vắng tiếng cười khi có dịp nghỉ ngơi, thư giãn. Thương binh Nguyễn Phụng đã làm cho anh chị em thật sự cảm thấy thoải mái, lạc quan, phấn khởi và như được tiếp thêm sức mạnh trong công việc.
Những khi lắng lòng nghĩ đến các con còn nhỏ dại nơi quê nhà, thương binh Nguyễn Phụng thường thổ lộ: "Không có cha nuôi nấng, dạy bảo, chắc các con tôi sẽ bị thất học và cơ cực lắm. Ngày về không biết sẽ ra sao!...". Nhưng rồi cuộc sống sôi động nơi chiến trường không cho phép nỗi buồn ngự trị lâu trong tâm hồn người cán bộ cách mạng. Mọi suy tư lo lắng cho cuộc sống riêng mình rồi cũng qua nhanh. Vai trò nặng nề của một cán bộ quản lý trước sự mất còn, đói no của thương bệnh binh và đồng đội luôn choáng hết chỗ trong tâm trí ông.
Như người anh, người cha, đồng chí Phụng luôn ân cần dặn dò lớp nhân viên trẻ trong bệnh xá: "Thương bệnh binh là người công tác, chiến đấu ở phía trước, giáp mặt với quân thù không tiếc máu xương. Đảng và nhân dân giao cho chúng ta trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị vết thương, căn bệnh cho họ; giúp họ chóng hồi phục sức khỏe để về tiếp tục sự nghiệp giải phóng quê hương. Vì thế, mình phải hết lòng tận tụy phục vụ đầy đủ, đến nơi đến chốn, đừng bao giờ để phụ niềm tin của Đảng, phụ lòng mong đợi của nhân dân"…
Cuối năm 1973, bệnh xá di dời ra Kỳ Phước ở cánh ngoài, Nguyễn Phụng thôi công tác quản lý tài chính, chuyển sang công tác chính trị tư tưởng. Đồng chí Phụng giữ chức Chính trị viên Bệnh xá Bắc Tam Kỳ từ năm 1973 đến năm 1975. Ở cương vị công tác mới cũng không kém phần quan trọng và nặng nề, đồng chí Phụng vẫn luôn gắng hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1974, tại thôn 4 xã Kỳ Phước, trong một trận càn lớn, bệnh xá bị địch bao vây. Vòng đai địch đã áp sát khu vực đóng quân nhưng bệnh xá không được lệnh di chuyển của cấp trên vì bị đứt liên lạc. Chính trị viên Nguyễn Phụng vốn là người dạn dày trong chiến đấu, giàu kinh nghiệm chống càn qua nhiều năm giáp mặt với quân thù ở cơ sở, ông đã cùng với Bệnh xá trưởng Đỗ Văn Tuyển bình tĩnh lãnh đạo “xé màng đêm”, xuyên rừng vượt núi đưa cả bệnh xá thoát khỏi vòng vây của quân thù.
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, Đảng lại phân công Nguyễn Phụng về trực tiếp tham gia xây dựng quê hương. Lần lượt với các chức danh phó chủ tịch UBND xã đến phó bí thư kiêm chủ tịch UBND xã rồi bí thư xã Tam Thái, đồng chí tiếp tục cống hiến sức mình cho đến năm 1987, đủ 60 mươi tuổi mới nghỉ hưu.
Chưa thật sự được hưởng yên vui hạnh phúc cùng cháu con trong hòa bình, năm 1988, Nguyễn Phụng lâm trọng bệnh. Sự tàn phá sức lực qua nhiều năm bị tra tấn, đánh đập trong lao tù; vất vả, gian khổ trong chiến tranh dường như bây giờ mới ngấm dần ngấm dần… Thương binh Nguyễn Phụng dũng cảm chịu đựng mọi đau đớn do vết thương cũ hành hạ, do di chứng của chất độc da cam dày vò thân xác. Dù lạc quan, yêu đời đến mấy, đồng chí Nguyễn Phụng cũng không thể thắng nổi bệnh tật kéo dài hơn 10 năm liền… Năm 1998, ông ra đi với tấm lòng thanh thản, không hề vướn bận bụi trần. Đã nhiều năm, thương binh Nguyễn Phụng không còn trên cõi đời này, nhưng chúng tôi - những đồng đội trong thời chiến vẫn luôn nhớ về đồng chí với tất cả lòng kính trọng và tự hào…
PHẠM HOA VINH