Gần một năm ngày mất anh Trần Minh Cả, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - một lãnh đạo tài hoa, gần gũi... để lại tiếc thương trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân...
Ngày tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều người không cầm được nước mắt. Một lễ tang bình thường, giản dị, nhưng lại trở thành sự kiện đáng nhớ của người dân Quảng Nam và Đà Nẵng.
Có người còn nhớ lại, ở Đà Nẵng có hai sự kiện tiễn đưa đầy xúc động mà cả 2 lần ấy đều có anh Trần Minh Cả tham dự! Đấy là lần Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng tổ chức tiễn đưa những người anh em Quảng Nam về làm việc tại tỉnh lỵ Tam Kỳ vào ngày 21.2.1997 trước tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương, và ngày 7.7.2013, cũng từ Đà Nẵng tiễn đưa anh Cả về an nghỉ tại quê nhà Quảng Nam. Cuộc tiễn đưa nào cũng đông đúc người, cuộc tiễn đưa nào anh cũng là người ra đi nhưng lại khác, rất khác. Lần đưa tiễn sau cùng, khuôn mặt ai cũng đượm buồn, sự mất mát không nói thành lời. Từ hình ảnh đầy cảm động ở đám tang anh, tôi thấy sự so sánh của ai đó về hai lần tiễn đưa anh cũng không phải là quá đáng. Tôi nhớ mãi điếu văn của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh trong lễ truy điệu: “57 tuổi đời, 26 tuổi đảng, 33 năm công tác, đồng chí Trần Minh Cả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân…công lao và thành tích của đồng chí được Đảng và Nhà nước ghi nhớ; những đức tính quý báu của đồng chí vẫn luôn sống mãi với bạn bè, anh em, đồng chí, người thân trong gia đình”.
Tác giả và anh Trần Minh Cả trong chuyến công tác ở Campuchia. Ảnh: Đ.Q.D |
Anh thuộc lớp người tham gia công tác sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, được đào tạo bài bản nghiệp vụ về chuyên ngành quản lý kinh tế, đã từng là một giáo viên giỏi của một trường kinh tế; song ở anh sự am hiểu về truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, của đất nước và con người đất Quảng thật sâu sắc. Đồng thời tôi còn biết, trong gia đình anh là người con hiếu thảo; khi đi học là trò giỏi, bạn hiền; anh là người cán bộ lãnh đạo tận tụy, mẫn cán; nghiêm túc, gương mẫu trong công việc; giản dị, dễ gần gũi trong đời thường và khi mất đi để lại sự thương tiếc khôn nguôi cho bạn bè, người thân! Năm 1997 anh về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam mới thành lập với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nhưng anh vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ với tinh thần lạc quan, không một chút tính toán, so bì. Công việc của một tỉnh mới thật ngổn ngang, bộn bề và vô cùng khẩn trương, gấp gáp, đòi hỏi năng lực làm việc và tinh thần công tác ở mỗi người rất lớn, với số lượng cán bộ chuyên môn, phục vụ quá ít ỏi, nhưng anh vô cùng tự tin, tổ chức công việc bài bản, hiệu quả. Công tác tham mưu, đốc chiến đều một tay anh chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chính anh và tập thể lãnh đạo văn phòng ngày ấy đã truyền cảm hứng làm việc cho mọi người, mặc dù còn khó khăn, đội ngũ ít, nhưng ai nấy đều vui vẻ làm việc cho dù xa nhà, điều kiện làm việc còn thiếu thốn mọi bề.
Năm 2002, HĐND tỉnh khóa IX bầu anh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phân công đảm nhiệm Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. Với kinh nghiệm của những năm làm trưởng ban chuẩn bị triển khai dự án Khu kinh tế mở Chu Lai, các hoạt động của anh bước đầu đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai sau này.
Tuy nhiên, dấu ấn mà mọi người biết đến anh nhiều vẫn là các hoạt động về quản lý văn hóa và xã hội. Có lần anh nói: “Văn hóa Quảng Nam lớn quá, đẹp quá và mình yêu nó; nó đã thấm trong người mình lúc nào không hay biết, nên dù không phải sở trường quản lý cũng phải tiếp tục tìm tòi, học hỏi để hiểu thêm về nó thôi”. Tôi có lần cùng anh công tác tại Campuchia để tìm hiểm về văn hóa Ăngkor phục vụ cho Festival Di sản 2013, được tiếp cận anh ở thực tế, tôi thấy các kiến thức và hiểu biết về văn hóa ở anh thật rộng, đặc biệt là các kiến thức về văn hóa Khmer, văn hóa Chăm; trong lúc tham quan đền Ăngkor Vat, Ăngkor Thom và các công trình văn hóa khác, anh đã liên hệ và diễn giải về mối quan hệ văn hóa ở đây với văn hóa và kiến trúc ở Khu đền tháp Mỹ Sơn của Quảng Nam.
Trước đó, năm 2010 vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức những ngày văn hóa Quảng Nam tại Hà Nội, với thời gian chuẩn bị và tổ chức không nhiều nhưng đã để lại tiếng vang lớn cho văn hóa Quảng Nam tại thủ đô mà các tỉnh khác không làm được, phải chăng điều ấy đã gắn kết anh với văn hóa Quảng Nam, với sự trưởng thành và phát triển của ngành văn hóa, du lịch đất Quảng? Bà Katherine Muller Narin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trong thư chia buồn gửi đến gia đình đã nhận xét:“ Trong suốt bốn năm làm việc với ông Cả tại dự án của UNESCO với tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đánh giá rất cao ông Cả là người có năng lực lãnh đạo, hiểu biết chuyên môn đồng thời cũng là người nhân hậu và hài hước. Thật may mắn là chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời trong suốt những năm qua và giờ đây ông không còn nữa để tiếp tục cống hiến trí tuệ của mình trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam”.
Đã một năm rồi, văn hóa Quảng Nam vắng anh. Cũng như thời gian, dòng chảy văn hóa Quảng Nam vẫn tiếp tục xuôi dòng. Những người yêu mến anh cảm thấy thiếu vắng khi các hoạt động văn hóa, lễ hội Quảng Nam không có tên Trần Minh Cả.
ĐẶNG QUỐC DOANH